Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM thực hiện tọa đàm: “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu”. Khách mời:
+ Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM.
+ Bà Trần Thị Hồng Nguyệt - Trưởng Phòng Dân vận, Hệ thống chính trị - Ban Dân vận Thành ủy TPHCM.
+ Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố.
+ Bà Dương Thị Hồng Gấm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 1.
Kỳ cuối tọa đàm: “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận và nhân dân”.
*VOH: Nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu, đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp cơ sở cần đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ gì?
Bà Trần Thị Hồng Nguyệt: Cán bộ Mặt trận cần hoạt động với tinh thần "óc nghĩ, mắt thấy, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm". Đặc biệt là trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân.
Cán bộ Mặt trận ở cơ sở sẽ là nòng cốt, tích cực trong đấu tranh phát hiện, ngăn chặn, tố giác đối với các trường hợp tham ô, tham nhũng, tiêu cực tại địa bàn. Bởi những gì chúng ta làm, cống hiến được thì người dân sẽ ghi nhận.
Lấy chăm lo cuộc sống của người dân, lợi ích của nhân dân để định hướng mục tiêu hoạt động, lấy sự hài lòng của người dân, làm thước đo kết quả công việc và đánh giá cán bộ.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Chúng tôi thấy rằng nhận thức bản thân của cấp ủy và tổ chức đảng sau giám sát còn thiếu kiểm tra, khắc phục, sửa chữa những sai phạm.
Tâm lý ngại va chạm, nể nang và né tránh, thiếu bản lĩnh trong thực hiện nhiệm vụ giám sát của các cán bộ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giám sát. Do đó, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy để làm sao phát huy vai trò của Mặt trận, thực hiện hướng dẫn của Chỉ thị số 18 để thực hiện công tác giám sát theo Hiến định.
Chúng ta cũng cần phải nghiên cứu kỹ các văn bản của Đảng, các quy định của Nhà nước, đề xuất sửa đổi để hoàn thiện cơ chế giám sát của Mặt trận cho đảm bảo cơ sở để các cơ quan, tổ chức và các đối tượng chịu sự giám sát phải thực hiện nghiêm các quy định đó.
Cần phải thu hút và sử dụng những người có đức, có tài, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong các hoạt động giám sát. Tăng cường đào tạo, bổ túc thông tin để những người này thực hiện công tác giám sát có hiệu quả.
*VOH:Thời gian tới cần thực hiện những giải pháp nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận?
Bà Dương Thị Hồng Gấm: Để nâng cao chất lượng công tác giám sát, Mặt trận Tổ quốc cần tiếp tục tăng cường huy động các chuyên gia, các nhà khoa học, những người có kinh nghiệm thực tiễn.
Đặc biệt là phát huy vai trò của nhân dân. Quá trình giám sát của Mặt trận thì phải đảm bảo đúng quy trình, thực hiện nghiêm túc, có kết quả rõ rệt. Kiến nghị sau giám sát phải có tính thuyết phục cao và mang tính xây dựng.
Kết quả giám sát nên được công khai, minh bạch để nhân dân tham gia tái giám sát. Tiếp tục tăng cường tập trung giám sát ở một số các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Thực hiện tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân, trên cơ sở đó triển khai đề xuất các cái văn bản đề nghị các cấp có chính quyền, cấp ủy xem xét, giải quyết để thông tin đến nhân dân nắm biết và thực hiện.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Phải xây dựng cái kế hoạch giám sát phù hợp với thực tiễn, tình hình của địa phương. Để thực hiện Chỉ thị 13, chúng ta phải gắn với những chương trình như là chống tham nhũng, chống lãng phí của Ban Bí thư. Tiếp tục là quán triệt nhận thức của cán bộ, đảng viên trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Bà Phan Kiều Thanh Hương: Các thành viên của đoàn giám sát trước khi thực hiện nhiệm vụ của mình phải họp và phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng thành viên.
Triển khai bộ tiêu chí đánh giá đối với tổ chức, cá nhân theo thang bảng điểm, từ đó đoàn giám sát lượng giá kết quả bằng điểm số và từ điểm số này sẽ đánh giá. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xem xét việc hoàn thành nhiệm vụ hay không.
Trước khi thực hiện công tác giám sát phải có thu thập thông tin, có thể làm bằng phiếu hoặc là trực tiếp trao đổi với những người liên quan đến lĩnh vực giám sát đó.
Phải rèn luyện được kỹ năng cho thành viên đoàn giám sát từ bản lĩnh cho đến cách đặt vấn đề, như vậy chất lượng giám sát của Mặt trận và tổ chức chính trị xã hội sẽ ngày càng phát huy hiệu quả tốt nhất, xứng đáng với niềm tin của người dân trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ này.
*VOH: Xin cảm ơn các vị khách mời.