Bệnh Tay Chân Miệng là bệnh truyền nhiễm có thể tự điều trị tại nhà theo phác đồ của bác sĩ. Mặc dù, bệnh sẽ tự khỏi sau khoảng 7 - 10 ngày, nhưng nếu không phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm. Do đó, cha mẹ cần lưu ý các cấp độ của bệnh Tay Chân Miệng để chủ động đưa trẻ đi khám nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường.
Theo Bác sĩ. CKI. Lê Thị Diệu Thu, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, bệnh Tay Chân Miệng có 4 cấp độ gồm:
Cấp độ 1
Đây là cấp độ nhẹ nhất của bệnh. Trong đa số các trường hợp, bệnh Tay Chân Miệng giai đoạn 1 sẽ tự khỏi nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách tại nhà. Triệu chứng thường gặp gồm:
- Loét miệng.
- Xuất hiện bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối hoặc mông.
Cấp độ 2
Ở cấp độ này, bệnh Tay Chân Miệng sẽ được chia ra thành 2 cấp độ khác nhau là 2a và 2b. Khi chuyển sang cấp độ 2, bệnh nhân phải nhập viện để điều trị nội trú.
Độ 2a
Trẻ bị Tay Chân Miệng độ 1 và kèm theo một trong các triệu chứng sau:
- Sốt cao kéo dài trên 2 ngày
- Giật mình đột ngột khi ngủ dưới 2 lần/30 phút
- Quấy khóc không rõ nguyên nhân
- Nôn ói
Độ 2b
Bệnh nhân bị Tay Chân Miệng độ 1 và xuất hiện các triệu chứng sau:
- Sốt cao không hạ
- Giật mình dưới 2 lần/30 phút hoặc xảy ra khi thăm khám
- Mệt mỏi, ngủ gà
- Nhịp tim nhanh
- Run đùi, ngồi không vững, run chi, run giật nhãn cầu
- Liệt dây thần kinh sọ não: khó nuốt, nuốt sặc, thay đổi giọng nói
Cấp độ 3
Tay Chân Miệng cấp độ 3 là mức độ bệnh nặng, gây nên những triệu chứng sau:
- Mạch tăng nhanh, khoảng trên 170 lần/phút (đo khi trẻ nằm yên, không có dấu hiệu sốt)
- Nhịp tim tăng, huyết áp tăng
- Đổ mồ hôi nhiều, lạnh toàn thân, hoặc lạnh khu trú
- Có những bất thường về đường thở như: thở nhanh, thở khò khè, rít thanh quản, thở rút lồng ngực
- Rối loạn tri giác
- Tăng trương lực cơ
Cấp độ 4
Đây là cấp độ bệnh Tay Chân Miệng nặng nhất và nguy hiểm nhất. Cấp độ 4 gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Các biểu hiện thường gặp ở giai đoạn bệnh này bao gồm:
- Sốc
- Phù phổi cấp
- Ngưng thở, thở dốc, thở yếu
- Giảm nhịp tim
Như vậy, mỗi cấp độ của bệnh Tay Chân Miệng sẽ có những triệu chứng khác nhau và diễn tiến bệnh xấu hơn tăng dần. Bác sĩ Thu khuyến cáo, khi phát hiện trẻ bị Tay Chân Miệng có các biểu hiện sốt cao khó hạ, hay sốt cao trên 48h, triệu chứng về thần kinh (giật mình, run hoặc yếu chi, đi đứng loạng choạng, đảo mắt bất thường…) cần đưa trẻ đi khám ngay.
Hãy cùng theo dõi VOH Khỏe và các bài viết về bệnh tay chân miệng để cập nhật liên tục những kiến thức, thông tin hữu ích.