Chế độ ăn uống và tập luyện cho người tăng huyết áp

VOH - Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy bệnh nhân cần lưu ý điều gì để kiểm soát huyết áp?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng bác sĩ Nguyễn Lê My, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn.

MC Ngọc Linh: Làm thế nào để kiểm soát được huyết áp ở mức bình thường?

BS Nguyễn Lê My: Để kiểm soát huyết áp ở mức bình thường, có hai cách: dùng thuốc và không dùng thuốc. Mục tiêu điều trị hạ huyết áp tối ưu hầu hết ở các bệnh nhân không có nguy cơ cao là mức huyết áp dưới 140/90 mmHg.

Các phương pháp này cần có sự tuân thủ của người bệnh, thông qua việc theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà và phòng khám. Từ đó, có thể điều chỉnh thuốc hạ áp thích hợp nhằm đạt được mục tiêu huyết áp.

Bệnh nhân cần thay đổi lối sống theo khuyến cáo điều trị tăng huyết áp, bao gồm: 

  • Giảm cân, giảm calories trong chế độ ăn.
  • Giảm ăn muối, chất béo bão hòa.
  • Tập thể dục đều đặn.
  • Bổ sung kali.

Mục tiêu huyết áp tối ưu sẽ tùy thuộc vào từng cá thể, ví dụ như:

  • Bệnh nhân có bệnh lý nền (bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh mạch vành…): Mục tiêu điều trị là dưới 130/80 mmHg.
  • Bệnh nhân không có bệnh lý nền: Mục tiêu điều trị là dưới 140/80 mmHg.

Chúng ta cần kiểm soát bệnh ngay khi phát hiện vì bệnh này cần điều trị liên tục và suốt đời. Nếu trong quá trình điều trị, huyết áp đột ngột tăng mạnh dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Do đó, bệnh tăng huyết áp cần được chẩn đoán và điều trị sớm để phòng ngừa các biến chứng.

che-do-an-va-tap-luyen-cho-nguoi-tang-huyet-ap-voh
Chế độ ăn DASH giúp người bệnh kiểm soát huyết áp - Ảnh minh họa: Canva

MC Ngọc Linh: Đối với người bị cao huyết áp cần lưu ý những gì trong chế độ ăn uống và tập luyện?

BS Nguyễn Lê My: Người bị cao huyết áp cần lưu ý chế độ ăn và tập luyện như sau: 

  • Giảm cân.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Chế độ ăn DASH: Đây là chế độ ăn được thiết kế dùng để ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp. Theo nghiên cứu, chế độ ăn DASH giúp giảm huyết áp trong vòng 2 tuần và giảm đến 11 mmHg. Chế độ ăn này cắt giảm chất béo bão hòa, thực phẩm chế biến từ đường, muối, caffeine và rượu. Người bệnh cần tập trung ăn trái cây, rau quả, ngũ cốc, thịt gia cầm, các loại hạt không muối, đậu, thực phẩm giàu kali, magie, canxi,... để giảm tác hại của muối đối với huyết áp.
  • Chế độ ăn giảm muối: Bệnh nhân nên tiêu thụ 1500mg muối trong một ngày hoặc ít hơn. Điều này giúp giảm mức huyết áp khoảng 5 - 6 mmHg.
  • Hạn chế rượu, bia: Uống nhiều rượu, bia làm tăng huyết áp và giảm hiệu quả của chất hoạt áp.
  • Từ bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng huyết áp. Việc không sử dụng thuốc lá sẽ giúp kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ngủ ngon giấc.
  • Giảm căng thẳng: Hãy tập thiền, nghe nhạc, đánh đàn, đi dạo, nấu ăn,... hoặc tham gia các hoạt động nhẹ nhàng như tình nguyện để tinh thần thoải mái hơn.
  • Ngủ đủ giấc: Việc ngủ ít hơn 6 tiếng/đêm sẽ góp phần làm tăng huyết áp.
  • Khám sức khỏe định kỳ, theo dõi huyết áp tại nhà.
  • Tuân thủ sử dụng thuốc theo toa và chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Lê My

Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn

Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.

Bình luận