Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm virus qua vật trung gian là muỗi vằn. Căn bệnh này không thể lây từ người sang người, nhưng nó lại có thể lây truyền gián tiếp từ muỗi. Do đó, những người bị muỗi vằn đốt đều có khả năng bị nhiễm virus sốt xuất huyết.
Xét nghiệm sốt xuất huyết là một biện pháp hiệu quả giúp tìm kiếm dấu hiệu của virus Dengue gây bệnh. Mặc dù mục tiêu điều trị bệnh sốt xuất huyết là giúp làm giảm triệu chứng, tuy nhiên, phát hiện bệnh sớm là cách tốt nhất giúp bạn chủ động phòng ngừa biến chứng từ bệnh.
1. Khi nào cần làm xét nghiệm sốt xuất huyết?
Sốt xuất huyết có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, chính vì thế, bạn hoặc con bạn nên thực hiện xét nghiệm sốt xuất huyết nếu đang sống hoặc vừa đi du lịch đến những vùng đang có dịch và có các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, ớn lạnh... Một số biểu hiện có thể bắt đầu xuất hiện sau 4 – 7 ngày nhiễm virus, chẳng hạn như:
- Sốt cao đột ngột (hơn 40 độ C)
- Phát ban
- Đau đầu, đau sau mắt
- Đau khớp và cơ
- Buồn nôn và nôn mửa
- Mệt mỏi
- Sưng hạch ở cổ
Ở thể nặng, bệnh sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng như: đau bụng dữ dội, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, xuất huyết dưới da... cùng nhiều các triệu chứng nguy hiểm khác.
Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết và cách chăm sóc tại nhà đơn giản
2. Xét nghiệm sốt xuất huyết giúp chẩn đoán bệnh
Với sốt xuất huyết, bạn cần làm xét nghiệm máu để tìm các kháng nguyên của virus Dengue trong máu. Hiện có 3 chỉ số xét nghiệm sốt xuất huyết được áp dụng để chẩn đoán căn nguyên, đó là:
2.1 Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1
Xét nghiệm Dengue NS1 được chỉ định thực hiện từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 3 của bệnh. Sau ngày thứ 3, mặc dù bạn thật sự bị sốt xuất huyết nhưng kết quả xét nghiệm này có thể sẽ âm tính.
Nguyên nhân dẫn đến điều này là do xét nghiệm Dengue NS1 dựa trên cơ chế xác định kháng nguyên của virus, tuy nhiên, sau 3 ngày nồng độ kháng nguyên NS1 trong máu đã giảm thấp, nên kết quả chỉ số xét nghiệm có thể âm tính mặc dù vẫn có virus.
2.2 Xét nghiệm kháng thể IgM
Xét nghiệm kháng thể IgM thường được chỉ định thực hiện từ ngày thứ 4 của bệnh. Xét nghiệm này giúp xác định sự có mặt của kháng thể chống lại virus Dengue trong giai đoạn cấp tính của bệnh.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm kháng thể IgM có thể âm tính hoặc dương tính dựa vào mức độ sinh kháng thể của từng bệnh nhân.
2.3 Xét nghiệm kháng thể IgG
Thông thường, nếu bạn lần đầu bị nhiễm virus Dengue, kháng thể IgG sẽ xuất hiện vào ngày thứ 10 – 14 và có thể tồn tại trong cơ thể nhiều năm sau đó. Trường hợp bạn đã từng bị sốt xuất huyết, IgG đã sẵn có trong máu và tăng lên trong 1 – 2 ngày.
Do đó, xét nghiệm kháng thể IgG chỉ có thể xác định bệnh nhân có từng nhiễm virus Dengue hay chưa, không dùng để chẩn đoán cho bệnh nhân đang ở tình trạng sốt cấp tính.
Như vậy, tùy theo tình trạng và thời gian mắc bệnh, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm xét nghiệm sốt xuất huyết khác nhau.
Xem thêm: Hiểu rõ hơn về phác đồ điều trị sốt xuất huyết để chọn điều trị tại nhà hay cần nhập viện theo dõi
3. Các loại xét nghiệm sốt xuất huyết bổ sung
Ngoài 3 chỉ số xét nghiệm sốt xuất huyết cơ bản trên, bạn cũng có thể sẽ được yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm bổ sung để giúp khẳng định chẩn đoán như:
- Xét nghiệm điện giải đồ (bao gồm K+, Na+, Cl-): giúp đánh giá tình trạng rối loạn điện giải.
- Xét nghiệm Albumin: giúp đánh giá tình trạng thoát huyết tương, nhận biết sớm và theo dõi nếu tiến triển đến tăng tính thấm thành mạch.
- Xét nghiệm chức năng gan (bao gồm ALT, AST, GGT): giúp đánh giá kiểm tra chức năng gan, đánh giá tổn thương và phát hiện biến chứng của sốt xuất huyết.
- Xét nghiệm chức năng thận (bao gồm Ure, Creatinine, Cystatin C, Micro Albumin niệu): giúp thăm dò chức năng thận, phát hiện tình trạng tổn thương thận sớm do biến chứng sốt xuất huyết.
- Xét nghiệm CRP: giúp đánh giá tình trạng viêm nhiễm, hỗ trợ chẩn đoán phân biệt nguyên nhân gây sốt và đánh giá hiện tượng bội nhiễm do sốt xuất huyết gây ra.
4. Quy trình làm xét nghiệm sốt xuất huyết
Để làm xét nghiệm sốt xuất huyết bạn cần được lấy máu. Trước khi lấy máu, bạn không cần phải nhịn ăn hoặc chuẩn bị đặc biệt gì trước.
Trong lúc lấy máu, bạn được yêu cầu giữ yên người. Máu được lấy theo đường tĩnh mạch, thông qua một cây kim nhỏ và ống đựng chuyên dụng, sau đó đưa đi phân tích. Quá trình lấy máu chỉ mất khoảng vài phút.
Hầu hết các trường hợp lấy máu xét nghiệm đều không xảy ra rủi ro gì nghiêm trọng. Bạn có thể bị bầm tím hoặc thấy hơi đau tại vị trí lấy máu.
5. Kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết
Kết quả phân tích sốt xuất huyết thường sẽ có sau một vài giờ, tùy vào từng loại xét nghiệm. Kết quả mà bạn nhận được có thể là dương tính (+) hoặc âm tính (-).
- Dương tính: Kết quả này cho thấy bạn đã bị nhiễm virus sốt xuất huyết trong máu.
- Âm tính: Kết quả này có 3 khả năng, đó là: bạn chưa bị nhiễm virus, hoặc thời điểm làm xét nghiệm chưa thích hợp, hoặc tỷ lệ virus trong máu chưa đủ ngưỡng để phát hiện (âm tính giả).
Với kết quả xét nghiệm dương tính, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định phương án điều trị sốt xuất huyết hợp lý. Trong những trường hợp kết quả âm tính, nếu còn nghi ngờ bạn có thể trao đổi thêm với bác sĩ về việc làm thêm một vài xét nghiệm khác.
Như vậy, nếu bạn đang có bất cứ biểu hiện, triệu chứng nào nghi ngờ đang nhiễm sốt xuất huyết thì có thể đến ngay các cơ sở y tế để được làm xét nghiệm chẩn đoán. Mặc dù, hiện chưa có thuốc điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu nhưng bạn có thể hạn chế triệu chứng và tăng cường miễn dịch cơ thể, phòng ngừa biến chứng.