Tiêu điểm: Nhân Humanity

‘Cảnh báo’ 6 rủi ro sức khỏe này khi cơ thể thừa iot – thiếu iot

(VOH) – Dù chỉ là nguyên tố vi lượng song nếu cơ thể rơi vào trạng thái thiếu iot hay thừa iot thì các hoạt động chuyển hóa sẽ gặp ‘trục trặc’. Vậy làm sao để sớm nhận biết và điều chỉnh đủ lượng iot?

Theo khuyến cáo dinh dưỡng, trung bình mỗi ngày lượng iot mà trẻ nhỏ cần sẽ dao động từ 90 – 150mcg, còn người trưởng thành cần từ 150 – 290mcg, hàm lượng khoáng chất này sẽ hỗ trợ tuyến giáp tổng hợp các hormone quan trọng gồm tri-iodothyronin (T3) và thyroxin (T4). Tuy nhiên trên thực tế, việc không cung ứng đủ và đúng lượng khoáng chất iot vẫn thường xảy ra, dẫn tới tình trạng thiếu hụt iot hoặc quá dư thừa iot.

1. Nhận biết triệu chứng thiếu iot – thừa iot

Dù thiếu iot hay thừa iot, cơ thể chúng ta cũng sẽ đưa ra những tín hiệu quan trọng để “cảnh báo”. Do đó nếu quan sát thấy các triệu chứng dưới đây, bạn cần nhanh chóng tới cơ sở y tế thăm khám và sớm cải thiện:

1.1 Triệu chứng thiếu iot cần biết

Nếu hàm lượng iot cung ứng cho cơ thể nhỏ hơn 20mcg/ngày thì nguy cơ cao bạn phải đối vấn đề thiếu iot. Lúc này, những triệu chứng điển hình sau sẽ xuất hiện:

Mệt mỏi, mất sức

Tình trạng mệt mỏi, mất sức hay đuối sức là một trong những biểu hiện phổ biến “nhắc nhở” rằng cơ thể đang không được đáp ứng đủ lượng iot cần thiết. Cụ thể, sự thiếu hụt iot làm giảm khả năng co bóp của cơ tim, nhịp tim chậm lại, khiến bạn thường thấy chóng mặt và dễ bị ngất xỉu.

canh-bao-6-rui-ro-suc-khoe-nay-khi-co-the-thua-iot-thieu-iot-voh-0
Thiếu hụt iot có thể khiến bạn thường cảm thấy mệt mỏi, hay chóng mặt và dễ kiệt sức (Nguồn: Internet)

Tăng cân đột ngột

Khi thiếu iot, nồng độ hormone tuyến giáp sụt giảm, gây “gián đoạn” quá trình chuyển hóa năng lượng cũng như đốt cháy calo. Điều này được xem là yếu tố gây tăng cân đột ngột, đồng thời làm tăng lượng chất béo dự trữ trong cơ thể.

Da và tóc khô ráp

Quá trình tái tạo các nang tóc cũng như tế bào da cũng bị ảnh hưởng nếu thiếu hụt iot. Theo đó, mái tóc trở nên xơ rối, chẻ ngọn và gãy rụng nhiều, còn làn da thì khô ráp, dễ bong tróc.

Xem thêm: Khắc phục tình trạng rụng tóc từ những thói quen hàng ngày

1.2 Dấu hiệu thừa iot điển hình

Tình trạng thừa iot có thể được “nhận diện” thông qua một số dấu hiệu đặc trưng sau:

Sụt giảm cân nặng

Không thực hiện chế độ ăn kiêng hay giảm cân nhưng cân nặng thay đổi đột ngột, sụt giảm nhanh chóng thì bạn cũng nên cẩn trọng và cần xem xét tới nguy cơ lượng iot trong cơ thể đang ở mức dư thừa.

Tim đập nhanh

Hấp thu một lượng quá lớn iot trong một thời gian dài sẽ tạo “gánh nặng” cho hệ tuần hoàn nói chung và tim mạch nói riêng. Khi đó, nhịp tim của bạn nhanh hơn, thường xuyên cảm thấy đánh trống ngực, khó thở.

Buồn nôn, chán ăn

Một biểu hiện thừa iot khác bạn có thể dễ dàng nhận thấy đó là cảm giác chán ăn, dễ buồn nôn hoặc thậm chí bị tiêu chảy ngay sau bữa ăn.

Xem thêm: Những lý do khiến bạn chán ăn qua từng ngày và đây là cách khắc phục

2. Nguyên nhân gây thiếu iot – thừa iot

Như đã chia sẻ, iot là một trong những khoáng chất vi lượng cực kì cần thiết giúp duy trì, bảo vệ một cơ thể khỏe mạnh. Thế nhưng điều đáng nói là cơ thể chúng ta hoàn toàn không thể tự sản xuất được chất dinh dưỡng này và hoàn toàn phải hấp thu từ nguồn thực phẩm bên ngoài. Chính vì thế, theo chia sẻ của các chuyên gia sức khỏe, nguyên nhân gây thiếu iot hay thừa iot chủ yếu do việc xây dựng thực đơn hàng ngày thiếu cân bằng.

Theo đó, nếu bạn tập trung ăn quá nhiều nhóm thực phẩm giàu iot trong thời gian dài thì có thể bị thừa iot, ngược lại, trường hợp thiếu iot xảy ra khi khẩu phần ăn không được cung cấp đủ và đa dạng thực phẩm chứa iot.  

canh-bao-6-rui-ro-suc-khoe-nay-khi-co-the-thua-iot-thieu-iot-voh-1
Nếu không xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, nguy cơ thừa iot hoặc thiếu iot đều có thể xảy ra (Nguồn: Internet)

3. Thiếu iot gây bệnh gì?

Nếu cơ thể không được “bù đắp” lượng iot thiếu hụt kịp thời, tỉ lệ mắc một số bệnh lý dưới đây sẽ tăng cao:

3.1 Bướu cổ

Bướu cổ hay phình giáp, bướu giáp là một trong những hệ quả mà tình trạng thiếu iot gây nên. Lúc này, do lượng iot giảm xuống, tuyến giáp phải tăng cường hoạt động để kích thích sản sinh hormone T3 và T4 – dẫn tới các mô tuyến giáp sưng to, xuất hiện các bướu ở vùng cổ.

Xem thêm: Cẩm nang về bệnh bướu cổ: từ biên pháp điều trị đến chế độ ăn uống

3.2 Chậm phát triển trí não

Chậm phát triển trí não hoặc các tổn thương não bộ do thiếu hụt iot có tỉ lệ xảy ra khá cao ở trẻ nhỏ. Điều này là vì trong thời kì dưỡng thai (nhất là ở kì tam cá nguyệt thứ nhất) cũng như giai đoạn cho con bú, mẹ không tiếp nạp đủ lượng iot cần thiết để truyền tới bé thông qua nhau thai hoặc sữa mẹ.

3.3 Suy giáp

Tuy khả năng xảy ra thấp nhưng có thể nói suy giáp là biến chứng nghiêm trọng nhất khi cơ thể rơi vào trạng thái thiếu hụt iot. Bởi diễn tiến của bệnh thường rất nhanh, lượng hormone tuyến giáp giảm mạnh và có thể dẫn tới tử vong trong thời gian ngắn.

Xem thêm: Nhận diện triệu chứng trẻ bị suy giáp bẩm sinh để tránh những hệ lụy khó lường

4. Thừa iot gây bệnh gì?

Tình trạng dư thừa iot trong thời gian dài có thể để lại những rủi ro sức khỏe khá nghiêm trọng, trong đó thường gặp nhất là các bệnh lý sau:  

4.1 Ngộ độc iot

Chúng ta có nguy cơ bị ngộ độc iot khi liên tục tiếp nạp lượng iot vượt quá 1000mcg/ngày hoặc lạm dụng thuốc bổ sung iot. Lượng khoáng chất iot dư thừa sẽ gây tổn thương niêm mạc miệng, bỏng rát và dễ làm sưng đường thở.

4.2 Bướu cổ

Tỉ lệ mắc bướu cổ tăng cao không chỉ do thiếu iot gây nên mà còn đến từ việc bạn bổ sung quá nhiều lượng khoáng chất này. Lượng lớn iot có thể ức chế tổng hợp hormone tuyến giáp và vẫn gây ra chứng phù niêm khá nghiêm trọng.

‘Cảnh báo’ 6 rủi ro sức khỏe này khi cơ thể thừa iot – thiếu iot 3
Thừa iot cũng có thể khiến bạn mắc bệnh bướu cổ (Nguồn: Internet)

4.3 Cường giáp Jod-Basedow

Hiện tượng sụt giảm iot cũng được xem là tác nhân gây ra bệnh Cường giáp Jod-Basedow hay bướu giáp ác tính, đặc biệt ở các đối tượng vốn có tuyến giáp bất thường như viêm tuyến giáp, teo tuyến giáp,…

Xem thêm: Sự thật về hội chứng cường giáp và chế độ ăn cho những bệnh nhân mắc phải hội chứng này

5. Các phương pháp chẩn đoán thiếu iot – thừa iot

Bên cạnh việc theo dõi và nhận biết các triệu chứng bất thường được nêu bên trên, lời khuyên là bạn nên sớm tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác tình trạng thiếu iot – thừa iot. Các bác sĩ chuyên khoa nội tiết sẽ thực hiện các phương pháp sau:

  • Thăm hỏi tiền sử bệnh: Thăm khám lâm sàng và hỏi tiền sử bệnh là bước đầu tiên giúp bác sĩ hiểu rõ tình trạng sức khỏe cũng như xác định hướng điều trị.
  • Xét nghiệm máu: Thông qua xét nghiệm máu để định lượng hormone kích thích tuyến giáp và đo độ tập trung iot ở tuyến giáp.
  • Siêu âm tuyến giáp: Hình ảnh siêu âm giúp kiểm tra các dấu hiệu bất thường về kích thước, hình dáng của tuyến giáp.

6. Hướng dẫn bổ sung iot đúng cách

Tùy theo kết quả chẩn đoán thiếu iot hoặc thừa iot, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp cải thiện phù hợp với từng người bệnh để sớm khắc phục hiệu quả. Cụ thể: 

  • Nếu thiếu hụt iot, tốt nhất bạn hãy chủ động tăng cường thêm lượng muối iot (3-5g một ngày, khoảng 1 thìa cà phê) hoặc các thực phẩm giàu iot vào khẩu phần ăn.
  • Với trường hợp thiếu hụt nặng, sẽ được chỉ định uống bổ sung thuốc iđoua hoặc lothothyroxine.
  • Khi lượng iot trong cơ thể đang dư thừa, hãy điều chỉnh và cắt giảm lượng thực phẩm giàu iot trong thực đơn hàng ngày.

Có thể thấy rằng thiếu iot hay thừa iot đều có thể để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, làm gia tăng tỉ lệ mắc phải các bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, mong rằng trong quá trình xây dựng chế độ dinh dưỡng, bạn hãy cân đối hàm lượng các thực phẩm giàu iot, đồng thời cần chú ý theo dõi thể trạng và thực hiện thăm khám định kì để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

Bình luận