Thiếu kẽm gây bệnh gì? Dấu hiệu cảnh báo và lưu ý điều trị

(VOH) – Dù là người lớn hay trẻ nhỏ thì nguy cơ rơi vào trạng thái thiếu hụt vi chất kẽm đều có thể xảy ra. Vậy thiếu kẽm gây bệnh gì và làm thế nào để sớm nhận biết cũng như cải thiện kịp thời?

Giống như phần lớn các chất dinh dưỡng vi lượng khác, cơ thể không có khả năng dự trữ kẽm trong thời gian dài, vi chất này sẽ tham gia những hoạt động chuyển hóa rồi được bài tiết qua mồ hôi hoặc nước tiểu. Chính vì thế, nếu chúng ta không chú ý cung ứng đủ lượng kẽm hàng ngày thì rất khó tránh khỏi khả năng bị thiếu kẽm.

1. Nhận biết các dấu hiệu thiếu kẽm

Thông qua những thay đổi bất thường nhưng dễ nhận diện dưới đây bạn có thể “nghi ngờ” và xem xét tới nguy cơ cơ thể đang ở tình trạng thiếu hụt vi chất kẽm.

1.1 Dấu hiệu thiếu kẽm ở trẻ em

Theo khuyến cáo dinh dưỡng, trung bình mỗi ngày trẻ em dưới 18 tuổi sẽ cần hấp thu khoảng 3 – 5mg khoáng chất kẽm để đảm bảo tăng trưởng và phát triển một cách tốt nhất. Trong trường hợp cơ thể tiếp nạp lượng chất nhỏ hơn mức an toàn trên đây, cha mẹ sẽ quan sát thấy ở con có một số dấu hiệu như:

Biếng ăn

Có thể nói biếng ăn là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất khi cơ thể trẻ thiếu hụt kẽm. Bởi lượng vi chất kẽm sụt giảm sẽ khiến độ nhạy của vị giác kém hơn, ảnh hưởng tới khả năng cảm nhận hương vị và làm con không còn hứng thú với thức ăn, ngay cả với những món yêu thích.

thieu-kem-gay-benh-gi-dau-hieu-canh-bao-va-luu-y-dieu-tri-voh-0
Biếng ăn, chán ăn có thể là dấu hiệu cơ thể trẻ đang thiếu hụt kẽm (Nguồn: Internet)

Quấy khóc, khó ngủ

Đối với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, có nhiều nguyên do khiến con hay quấy khóc, ngủ chập chờn và thức giấc ban đêm, trong đó phải kể đến tác động của tình trạng thiếu kẽm. Lúc này trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, giấc ngủ ban ngày kéo dài nhưng giấc ngủ ban đêm thường không sâu.

Xem thêm: Nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc về đêm và cách khắc phục

Khả năng vận động kém

Hầu hết bạn nhỏ cũng thường thích vui chơi, chạy nhảy. Tuy nhiên, nếu trong một thời gian dài bạn nhận thấy bé trở nên chậm chạp, vận động kém và thiếu năng lượng hoạt động thì nguy cơ cao nhu cầu kẽm của cơ thể con đang không được đáp ứng đầy đủ.

Rối loạn tiêu hóa

Việc thiếu hụt kẽm có thể làm rối loạn tiêu hóa ở trẻ, khiến con bị tiêu chảy hoặc đi tướt, mất nước.

Có đốm trắng ở móng tay, móng chân

Màu sắc của móng tay, móng chân cũng phần nào phản ánh tình trạng sức khỏe của trẻ. Theo đó, nếu móng không còn hồng hào, có các đốm trắng hoặc vết trắng dài thì đây có thể là biểu hiện thiếu kẽm.

Xem thêm: Sức khỏe được tiết lộ qua hình dạng và màu sắc của móng tay, kiểm tra ngay

1.2 Dấu hiệu thiếu kẽm ở người lớn

Thông thường, trong một ngày nhu cầu kẽm của người trên 18 tuổi ở mức từ 8 – 9mg. Song một số thống kê cho thấy tỉ lệ thiếu kẽm ở người Việt Nam trưởng thành tương đối cao, đặc biệt là với nhóm phụ nữ đang trong thời kì mang thai. Do vậy, khi những triệu chứng sau xuất hiện, cơ thể bạn đang thiếu kẽm và cần sớm được bù đắp:

Sụt giảm cân nặng

Liên tục sụt giảm cân nặng bất thường ngay cả khi không thực hiện chế độ ăn kiêng là một tín hiệu “cảnh báo” lượng khoáng chất kẽm trong cơ thể bạn đang ở mức khá thấp.

Mệt mỏi, thiếu tỉnh táo

Cũng như trẻ nhỏ, trong trường hợp hàm lượng kẽm “cạn kiệt”, cơ thể chúng ta sẽ trở nên mệt mỏi, thường cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, thiếu tỉnh táo và kém tập trung.

Tóc gãy rụng

Tóc rụng nhiều, chẻ ngọn và xơ gãy cũng là hệ quả của việc cơ thể không được bổ sung đủ lượng khoáng chất kẽm cần thiết. Khi đó, nồng độ hormone DHT (dihydrotestosterone) tăng cao, ức chế quá trình tái tạo nang tóc, dẫn tới hiện tượng gãy rụng.

thieu-kem-gay-benh-gi-dau-hieu-canh-bao-va-luu-y-dieu-tri-voh-1
Cơ thể thiếu kẽm có thể khiến tóc rụng nhiều, khô gãy (Nguồn: Internet)

Chán ăn, dễ buồn nôn

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng lượng kẽm trong nước bọt có tác động không nhỏ tới việc kích thích vị giác, tăng cảm giác ngon miệng khi thưởng thức món ăn. Vì thế, nếu lượng chất này ở mức quá thấp sẽ khiến bạn cảm thấy chán ăn, dễ buồn nôn ngay sau khi ăn.  

Răng xỉn màu

Cùng với canxi hay florua, sự hiện diện của kẽm ở men răng cũng góp phần mang lại vẻ sáng bóng cho hàm răng. Vì lẽ đó, thiếu lượng chất kẽm trong khẩu phần ăn hàng ngày rất dễ làm men răng tổn thương, răng bị xỉn màu và ố vàng.

Xem thêm: Răng bị ố vàng vì 8 nguyên nhân này, hãy điều chỉnh ngay bằng 7 cách đơn giản sau

2. Nguyên nhân gây thiếu kẽm là gì?

Các yếu tố dưới đây được xem là những nguyên nhân thường gặp nhất gây nên tình trạng thiếu kẽm:

2.1 Chế độ dinh dưỡng thiếu kẽm

Cơ thể chúng ta vốn không thể tự sản xuất khoáng chất kẽm và buộc phải hấp thu từ những nguồn cung cấp bên ngoài, thông qua những thực phẩm giàu kẽm. Cho nên nếu chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, thiếu kẽm nhưng lại dư thừa các chất khác (điển hình như thừa chất xơ) cũng dẫn tới sụt giảm lượng kẽm.

2.2 Sử dụng thuốc lợi tiểu

Như đã chia sẻ, lượng khoáng chất kẽm thường được bài tiết ra bên ngoài theo đường tiểu, vì vậy nếu đang điều trị bệnh lý có sử dụng thuốc lợi tiểu, nguy cơ bị thiếu kẽm là điều không tránh khỏi.

2.3 Mắc bệnh mãn tính

Nếu không may mắc các bệnh lý mãn tính như bệnh Crohn, hồng cầu hình liềm hay chứng thận hư,…hàm lượng kẽm trong cơ thể bạn cũng ở mức thấp hơn thông thường.

Xem thêm: Mách bạn 4 cách giúp duy trì sức khỏe thận lâu dài 

3. Thiếu kẽm gây bệnh gì?

Thiếu hụt kẽm trầm trọng và diễn ra dài ngày sẽ làm tăng rủi ro gặp phải những vấn đề sức khỏe sau:

3.1 Ảnh hưởng tới hệ xương khớp

Hệ thống xương khớp chịu tác động khá “nặng nề” khi nhu cầu kẽm của cơ thể không được đáp ứng đầy đủ. Điều này là bởi nếu thiếu đi vi chất kẽm, hoạt động hấp thu và chuyển hóa các vitamin (nhất là vitamin D) sẽ không diễn ra hiệu quả, làm giảm mật độ khoáng xương và ức chế tổng hợp ADN trong các tế bào xương.

thieu-kem-gay-benh-gi-dau-hieu-canh-bao-va-luu-y-dieu-tri-voh-2
Đau nhức xương khớp, khó vận động do thiếu vi chất kẽm (Nguồn: Internet)

3.2 Suy giảm trí nhớ

Kẽm được biết đến là chất điều chỉnh hoạt động của khớp thần kinh, tăng sinh tế bào gốc và đảm bảo duy trì thực hiện các chức năng của não bộ. Song cũng chính vì lý do đó, khi lượng khoáng chất kẽm quá thấp, tỉ lệ tổn thương tế bào thần kinh thường tăng cao, dẫn tới hiện tượng thoái hóa thần kinh và suy giảm trí nhớ.

Xem thêm: Suy giảm trí nhớ ở phụ nữ trung niên nguy hiểm như thế nào?

3.3 Rối loạn nội tiết tố

Thiếu hụt kẽm để lại ảnh hưởng xấu tới quá trình tổng hợp và sản sinh hormone ở cả nam giới lẫn nữ giới. Đặc biệt, vi khoáng chất này cũng tương tác với hormone tăng trưởng ở trẻ nhỏ nhằm tăng phân chia tế bào, nên quá trình tăng trưởng chiều cao và cân nặng của các bé có thể bị “gián đoạn” khi nhu cầu kẽm của cơ thể không được đáp ứng đầy đủ.

3.4 Giảm thị lực

Việc vận chuyển vitamin A từ gan tới võng mạc sẽ trở nên khó khăn hơn khi lượng vi chất kẽm trong cơ thể không đạt đúng nhu cầu, làm suy giảm lượng sắc tố ở võng mạc, ảnh hưởng tới sức khỏe của đôi mắt.  

Xem thêm: 6 bài tập yoga mắt giúp giảm nhức mỏi, khô rát và căng thẳng khi phải liên tục nhìn màn hình máy tính

3.5 Da khô ráp

Lớp thượng bì (lớp ngoài cùng) của da là vùng cần lượng vi chất kẽm vô cùng lớn để tái tạo và dưỡng ẩm mỗi ngày. Vì thế nếu thiếu hụt kẽm, vùng da này rất dễ bị tổn thương, liên kết giữa tế bào bị “đứt gãy”, khiến da trở nên khô ráp.

3.6 Vết thương lâu lành

Các nghiên cứu y khóa đã chỉ ra rằng hơn 90% tình trạng vết thương lâu lành thường là hệ lụy của việc thiếu hụt kẽm, đặc biệt đối với vết bỏng, áp xe dưới da hay vết loét do tì đè. Theo đó, nếu không đủ lượng dưỡng khí này cơ thể sẽ không thể sản sinh đủ tế bào phản ứng viêm như bạch cầu trung tính, mảnh vỡ tế bào không được làm sạch, khiến thời gian phục hồi vết thương kéo dài.  

4. Chẩn đoán thiếu kẽm như thế nào?

Để xác định chính xác mức độ thiếu kẽm của cơ thể, sau khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường trên, tốt nhất bạn nên sớm tới thăm khám tại cơ sở y tế. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ đề nghị thực hiện những xét nghiệm quan trọng gồm xét nghiệm huyết tương, xét nghiệm nước tiểu hoặc trong một số trường hợp sẽ phải phân tích sợi tóc.

thieu-kem-gay-benh-gi-dau-hieu-canh-bao-va-luu-y-dieu-tri-voh-3
Thực hiện các xét kiểm để xác định mức độ thiếu hụt kẽm (Nguồn: Internet)

5. Phương pháp điều trị thiếu kẽm

Phương pháp điều trị thiếu kẽm thường được chỉ định theo hai cách thức chủ yếu là bổ sung thực phẩm giàu kẽm và thuốc bổ sung.

5.1 Thiếu kẽm nên ăn gì bổ sung?

Chủ động thêm các thực phẩm giàu kẽm vào bữa ăn hàng ngày được đánh giá là cách điều trị thiếu kẽm an toàn và dễ thực hiện nhất. Bạn hãy cân nhắc ăn nhiều hơn các loại thực phẩm chứa lượng lớn vi chất kẽm như hàu sữa, củ cải, lòng đỏ trứng, giá đỗ, thịt gà, thịt heo,…

Xem thêm: 10 loại thực phẩm giàu kẽm cần nên có trong chế độ ăn của bạn mỗi ngày

5.2 Thiếu kẽm uống thuốc gì?

Với người thiếu kẽm ở mức độ nặng, các bác sĩ có thể kê đơn và chỉ định uống bổ sung vitamin tổng hợp hoặc viên kẽm.

Đảm bảo cung ứng đủ lượng vi chất kẽm thực sự góp một phần không nhỏ giúp bảo vệ một cơ thể khỏe mạnh, vì vậy bạn hãy chú ý xây dựng một thực đơn dinh dưỡng thật hợp lý và quan tâm, chăm sóc sức khỏe kĩ càng để không rơi vào tình trạng thiếu kẽm nhé!