Có nên chữa bệnh nấm da bằng thuốc bôi Corticoid?

VOH - Bệnh nấm da có đa dạng các phương pháp điều trị.Vậy thuốc chống viêm Corticoid có phải là loại thuốc chữa trị phù hợp hay không?

Theo bác sĩ Đinh Hồng Cẩm, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Nội Tổng Quát, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Da Liễu, Giám đốc chuyên môn DR REJU Beauty Medi, Corticoid là một loại thuốc kháng viêm rất mạnh và thường được sử dụng điều trị cho các bệnh viêm da như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc và các loại viêm da khác.

Tuy nhiên, đối với căn bệnh nấm da, Corticoid không phải là một lựa chọn tốt và có thể gây hại bởi hai lý do:

  • Thứ nhất: Corticoid gây tăng nguy cơ nhiễm trùng, làm giảm hệ miễn dịch tại chỗ, khiến nhiễm trùng nấm trở nên nặng hơn hoặc lan rộng.
  • Thứ hai: Corticoid có thể giúp giảm ngứa và giảm viêm tạm thời nhưng không tiêu diệt hoàn toàn được nấm, khiến tình trạng nhiễm nấm vẫn tiếp tục phát triển. 
voh-thuoc-boi

Không nên sử dụng thuốc bôi Corticoid điều trị bệnh nấm da - Ảnh: Internet

Nói về phương pháp điều trị, bác sĩ Hồng Cẩm cho biết, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị nấm da an toàn và hiệu quả như: sử dụng thuốc bôi ngoài da, thuốc uống… Trong đó, các loại thuốc sử dụng bôi ngoài da là lựa chọn đầu tiên trong điều trị bệnh nấm da. 

Một số hoạt chất thường thấy phổ biến trong các loại thuốc chữa nấm da có thể kể đến là: Ketoconazole, Terbinafine và Clotrimazole. Và cách sử dụng những loại thuốc trên như sau:

  • Rửa sạch và lau khô vùng da bị nhiễm trước khi thoa thuốc
  • Thoa thuốc vào vùng da bị nhiễm nấm và vùng da xung quanh theo hướng dẫn của nhà sản xuất
  • Sử dụng từ một đến hai lần mỗi ngày, trong khoảng từ 2 đến 4 tuần.

Tuy nhiên, có một số trường hợp không thể điều trị bằng thuốc bôi ngoài da bao gồm: nhiễm nấm lan rộng, nhiễm nấm da đầu và nhiễm nấm móng. Với những loại bệnh nấm nêu trên, người bệnh cần được thăm khám với bác sĩ để có thể sử dụng những loại thuốc uống kháng nấm phù hợp, tránh tác dụng phụ khi sử dụng thuốc.  

Bên cạnh vấn đề chữa trị, người bệnh cần áp dụng thêm các biện pháp hỗ trợ để ngăn ngừa bệnh như:

  • Giữ vệ sinh cá nhân
  • Tắm rửa thường xuyên, lau khô cơ thể kỹ lưỡng, đặc biệt là những vùng ẩm ướt
  • Tránh dùng chung khăn tắm, quần áo, giày dép và các đồ dùng cá nhân với người bị nhiễm nấm 
  • Tránh mặc quần áo chật, không thoáng khí
  • Nên sử dụng giày dép thoáng khí. Thay giày dép thường xuyên để giữ chân được khô, ráo

Bác sĩ Đinh Hồng Cẩm 

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Nội tổng quát, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Da liễu,

Giám đốc chuyên môn DR REJU Beauty Medi

benh-nam-da

Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.

Bình luận