Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đổ mồ hôi nhiều do nguyên nhân nào? Cách điều trị là gì?

( VOH ) - Nếu không hoạt động cơ thể và cũng không bị căng thẳng, áp lực mà bị đổ mồ hôi nhiều như tắm thì có thể sức khỏe bạn đang gặp một số vấn đề.

Trước giờ, khi đổ nhiều mồ hôi, người ta thường chỉ nghĩ tới nguyên nhân thời tiết nóng nực hoặc do vận động quá mức. Thế nhưng, thực tế không đơn giản như vậy, PGS. TS Bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết hiện tượng đổ mồ hôi nhiều có thể cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi.

1. Tuyến mồ hôi là gì?

Theo bác sĩ Bay, tuyến mồ hôi là ống dẫn nằm dưới hạ bì. Ống dẫn này thường cuộn lại, phần cuộn là nơi mồ hôi được sản xuất, ống dài là đường nối tuyến mồ hôi với bề mặt của da, và tế bào thần kinh (từ hệ thống thần kinh giao cảm) kết nối với các tuyến mồ hôi. Khi tâm lý tác động lên hệ thần kinh giao cảm thì sẽ xảy ra tình trạng vã mồ hôi nhiều.

do-mo-hoi-nhieu-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh-1

Đổ mồ hôi nhiều có thể do sinh lý hoặc bệnh lý gây ra (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Bay cũng cho biết, tuyến mồ hôi có mặt khắp nơi trên cơ thể chúng ta (trừ 2 bộ phận là môi và núm vú), khi gặp bất kỳ tác động nào đều cũng xảy ra tình trạng tiết mồ hôi.

Thông thường, người ta chia thành 2 loại tuyến mồ hôi là:

1.1 Tuyến mồ hôi toàn vẹn (Eccrine)

Tuyến mồ hôi này có mặt ở khắp cơ thể, chủ yếu là tay và chân. Mồ hôi thuộc tuyến này chỉ có nước, muối và chất khoáng. Chủ yếu hoạt động ở tuổi dậy thì, có liên quan đến nội tiết, sự phát triển của cơ thể.

1.2 Tuyến mồ hôi đầu hủy (Apocrine)

Xuất hiện chủ yếu ở nách, hậu môn và bộ phận sinh dục. Mồ hôi thuộc tuyến này vừa có nước, muối vừa có các protein và axit béo. Thông thường, mồ hôi ở nách, vùng kín sẽ chuyển hóa các thành phần protein, axit béo tạo ra mùi mồ hôi khó chịu. Ngoài ra, nó thường có màu vàng nên khi đồ lót hay quần áo bị dính mồ hôi này sẽ bị ngả vàng.

Nhìn chung, đổ mồ hôi là hiện tượng sinh lý bình thường, mồ hôi toát ra để giúp cân bằng nhiệt độ cơ thể và loại bỏ các độc tố bên trong. Tuy nhiên, nếu toát mồ hôi quá nhiều thì đó là hiện tượng bất thường.

2. Nguyên nhân gây đổ mồ hôi nhiều

Theo bác sĩ Bay, đổ mồ hôi nhiều thường do những nguyên nhân sau đây:

  • Do yếu tố tâm lý, bị xúc động mạnh.
  • Do vị giác, điển hình là ăn quá nhiều đồ cay.
  • Do mắc bệnh lý ở vùng hệ thống thần kinh giao cảm.
  • Do bệnh lý bên trong cơ thể như đường huyết hạ xuống.
  • Do mang thai hoặc bước vào giai đoạn mãn kinh.
  • Do bệnh cường tuyến giáp.

do-mo-hoi-nhieu-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh-2

Stress cũng là yếu tố khiến bạn thường xuyên toát mồ hôi nhiều dù không vận động (Nguồn: Internet)

Như vậy, mồ hôi tiết ra nhiều có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý chứ không đơn thuần chỉ là yếu tố tâm lý tác động. Chính vì thế, nếu bạn bị đổ mồ hôi nhiều cần đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và can thiệp điều trị kịp thời.

3. Điều trị đổ mồ hôi nhiều bằng cách nào hiệu quả?

Nếu bạn đổ mồ hôi nhiều do bạn vận động và tập luyện thì không có gì đáng lo ngại. Bởi trường hợp này, mồ hôi toát ra là hoàn toàn có lợi, nó giúp bạn thải độc ra ngoài, làm sạch da và ổn định huyết áp.

Tuy nhiên, nếu không vận động mà đổ mồ hôi nhiều thì bạn cần có các phương pháp điều trị. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà có cách điều trị khác nhau.

Các bệnh lý từ stress đến những lý do khác mà tác động lên hệ thần kinh giao cảm thì phải điều trị tận gốc. Ngoài việc áp dụng các giải pháp tâm lý và tập luyện thì bạn có thể phẫu thuật để cắt bỏ hạch thần kinh giao cảm.

Tuy nhiên, cách điều trị này tương đối khó, đôi khi bạn phải “sống chung” với bệnh.

Một số giải pháp giúp bạn có thể giải quyết tình trạng đổ mồ hôi nhiều và tự tin hơn trong cuộc sống là:

  • Dùng các loại thuốc xịt khử mùi tại chỗ cho những vùng dễ đổ mồ hôi (vùng nách, vùng bẹn,...) để khử mùi khó chịu
  • Tránh để cơ thể bị thiếu nước trầm trọng.
  • Sử dụng các loại thảo dược như thiên môn đông, sơn thù, bạch thược,…
  • Áp dụng các biện pháp châm cứu, xoa vai, ấn huyệt để giúp cân bằng hệ thống giao cảm, ổn định thần kinh.
Bình luận