Gai xương là gì, có cần điều trị không?

(VOH) - Gai xương là tình trạng rất thường gặp và có thể ảnh hưởng bất kỳ ai trong mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.

1. Gai xương là gì?

Gai xương là cựa xương phát triển dọc theo các cạnh của xương. Gai xương, bản thân nó không gây đau đớn, nhưng có thể chèn ép các dây thần kinh gần đó và gây đau.

Những vị trí mà gai xương dễ hình thành gồm:

gai-xuong-la-gi-co-can-dieu-tri-khong-voh-1

Gai xương có thể hình thành ở bất cứ khớp xương nào (Nguồn: Internet)

  • Gai xương gót chân.
  • Gai xương bánh chè.
  • Gai xương đầu gối.
  • Gai xương cổ tay.

Gai xương có thể hình thành trên bất kỳ xương nào, thường tạo thành ở xương các khớp. Tuy nhiên, gai xương cũng có thể thấy ở dây chằng và gân kết nối với xương hoặc trên các xương của cột sống.

2. Làm sao để biết gai xương đã hình thành?

Hầu hết gai xương không gây ra dấu hiệu hoặc triệu chứng, thậm chí người bệnh không nhận ra có các gai xương cho đến khi chụp X-quang hay điều kiện khác cho thấy có tăng trưởng xương.

Tuy nhiên, một số gai xương có thể gây ra các triệu chứng như đau, sau đó tê và nhạy đau ở các vùng bị ảnh hưởng. Nếu gai xương ở gót chân, bạn sẽ đau chân và đi lại khó khăn. Gai cột sống có thể gây tê, đau, yếu và ảnh hưởng tư thế.

Do đó, khi nhận thấy những triệu chứng này bạn có thể đến chuyên khoa cơ xương khớp để thăm khám, có thể thực hiện chụp X-quang để xác định có phải do gai xương gây ra hay không.

3. Vì sao gai xương hình thành?

Nguyên nhân chính của bệnh gai xương là do viêm, thường là viêm khớp xương hoặc viêm gân.

Đối với những tình trạng này, cơ thể cố gắng chữa lành bằng cách huy động canxi trực tiếp vào các vùng bị ảnh hưởng, dẫn đến hình thành gai xương.

Viêm ở các vị trí khác nhau dẫn đến gai xương ở các vị trí khác nhau.

Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ gai xương hình thành:

  • Người cao tuổi (trên 60 tuổi), nhưng không có nghĩa là người trẻ không bị gai xương.
  • Chấn thương, thoái hóa khớp, đĩa đệm hay thậm chí nằm và ngồi sai tư thế đều có thể gây ra gai xương.
  • Di truyền và dinh dưỡng cũng có liên quan đến sự hình thành gai xương.
  • Người bị viêm khớp xương hoặc hẹp cột sống sẽ dễ mắc bệnh gai xương.

gai-xuong-la-gi-co-can-dieu-tri-khong-voh-2

Người bị viêm khớp là đối tượng dễ bị gai xương (Nguồn: Internet)

4. Điều trị gai xương bằng cách nào?

Điều trị ban đầu, bác sĩ có thể chỉ định thuốc uống hoặc thuốc tiêm tại chỗ để giảm viêm. Tuy nhiên, phương pháp này còn lệ thuộc vào vùng bị gai xương. Trong các trường hợp nặng như gai xương gây các vấn đề về thần kinh, bạn cần phải phẫu thuật bỏ các gai.

Phẫu thuật để loại bỏ gai xương có thể được thực hiện trong quy trình mở, có nghĩa là các bác sĩ phẫu thuật cắt mở da xung quanh khớp để truy cập vào các khớp. Hoặc loại bỏ xương có thể được thực hiện bằng nội soi, có nghĩa là các bác sĩ phẫu thuật làm một số vết rạch nhỏ để chèn các công cụ phẫu thuật đặc biệt. Trong khi phẫu thuật nội soi, bác sĩ phẫu thuật sử dụng một máy ảnh nhỏ để xem bên trong khớp.

Một số phương pháp điều trị thông dụng khác có thể dùng như tập thể dục để tăng cường độ vững chắc của xương cũng như sức chịu đựng của cơ, chế độ ăn lành mạnh cung cấp các chất dinh dưỡng cho xương.

Nhìn chung, bệnh gai xương không cần phải điều trị trong tất cả các trường hợp nếu nó không làm cản trở hoạt động hằng ngày của người bệnh.