Chờ...

Ung thư xương và những dấu hiệu nhận biết, không thể bỏ qua

(VOH) - Ung thư xương đã không còn là bệnh hiếm gặp. Bất kể triệu chứng bất thường nào ở xương đều cũng có thể cảnh báo bệnh ung thư xương, chúng ta không nên chủ quan.

1. Ung thư xương là gì?

Ung thư xương là sự xuất hiện của một khối u ác tính trong xương, tuy nhiên không phải khối u nào cũng là ác tính. Những tế bào ung thư tăng trưởng, cạnh tranh với mô xương lành và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Ung thư xương nguyên phát cần phải phân biệt với ung thư ở vị trí khác di căn tới xương.

Các loại ung thư xương thường gặp:

ung-thu-xuong-va-nhung-dau-hieu-nhan-biet-khong-the-bo-qua-voh-1

Nổi cục u ở xương có thể cảnh báo ung thư xương (Nguồn: Internet)

  • Sarcoma xương: Loại ung thư này xuất hiện ở mô dạng xương. Mô dạng xương có cấu trúc gần giống với xương, nhưng có lượng khoáng chất ít hơn. Loại ung thư này thường xảy ra ở đầu gối và cánh tay.
  • Sarcoma sụn: Là loại ung thư ở mô sụn. Sụn gồm những mô đàn hồi và trơn láng che phủ và bảo vệ đầu xương dài ở các khớp. Sarcoma sụn hầu hết xuất hiện ở xương chậu, đùi và vai.
  • Ung thư có tính chất gia đình Ewing Sarcoma (ESFTs): Ung thư thường hiện diện ở xương, cũng có thể ở mô mềm (cơ, mô mỡ, mô sợi, mạch máu, hay mô nâng đỡ khác). Loại này thường xuất hiện ở dọc xương sống, xương chậu, ở cẳng chân hay cánh tay.

2. Các giai đoạn của ung thư xương

Ung thư xương được chia thành 4 giai đoạn:

2.1 Giai đoạn 1

Ung thư chỉ giới hạn ở tại xương và không lan ra các vùng khác của cơ thể. Ung thư xương giai đoạn 1 ít gây hại hơn và chưa cạnh tranh với những tế bào bình thường.

2.2 Giai đoạn 2

Ung thư xương giai đoạn 2 bắt đầu phát triển mạnh hơn trước, nhưng vẫn giới hạn tại xương.

2.3 Giai đoạn 3

Ung thư xuất hiện từ 2 đến 3 vị trí ở cùng một xương. Khối u giai đoạn này có thể biệt hóa thấp hoặc cao.

2.4 Giai đoạn 4

Ung thư di căn từ xương đến nơi khác (xương khác hay cơ quan khác). Ung thư xương giai đoạn 4 tăng trưởng rất mạnh và ảnh hưởng lên tế bào bình thường.

3. Nguyên nhân gây ung thư xương

Thực tế, nguyên nhân chính gây ung thư xương vẫn chưa được tìm thấy. Tuy nhiên, người ta cho rằng ung thư xương là do sự rối loạn di truyền, liên quan đến quá trình phân bào có gen biến dị.

Một số bệnh lành tính của xương có thể chuyển dạng thành ung thư xương như chồi xương sụn, quá phát bản sụn đầu xương dài, bệnh Paget của xương, loạn sản xơ,…

4. Dấu hiệu nhận biết ung thư xương

Việc phát hiện ung thư xương ở giai đoạn đầu sẽ hỗ trợ không nhỏ trong việc điều trị ung thư đạt kết quả cao hơn. Dưới đây là một số triệu chứng có thể giúp bạn nhận biết ung thư xương sớm:

4.1 Sưng hoặc nổi u cục bất thường

Ung thư xương giai đoạn đầu, khối u có thể xuất hiện khi bạn sờ thấy xương của mình bị biến dạng hoặc sưng đau, nổi u cục bất thường. Nếu tình trạng sưng kéo dài quá lâu, mô xương sẽ bị nhô ra ngoài, làm xuất hiện những chỗ lồi lõm khác thường trên cơ thể.

4.2 Bị teo cơ

Nếu ung thư xương tiến triển tới gần giai đoạn cuối thì không chỉ gặp phải tình trạng sưng, đau mà còn ảnh hưởng đến cả chức năng xương, từ đó gây ra các triệu chứng teo cơ, rối loạn chức năng xương,…

4.3 Đau nhức toàn thân thường xuyên

Khi khối u xương tiến triển đến giai đoạn cuối, các độc tố trong khối u này sẽ kích thích đau và gây ra một loại triệu chứng như mất ngủ, khó chịu, chán ăn, xanh xao, giảm cân đột ngột, thiếu máu,…

4.4 Dễ bị gãy xương

Tại phần xương có khối u, dù chỉ một tác động nhẹ cũng có thể khiến vùng xương đó bị gãy hoặc đau nhức nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu tình trạng đau xương diễn ra thường xuyên có thể bạn không chỉ bị gãy xương mà còn có nguy cơ liệt chân.

4.5 Triệu chứng bị chèn ép

Khi có khối u nào đó phát triển trong khoang sọ và khoang mũi, có thể gây chèn ép vào não và mũi, làm xuất hiện triệu chứng áp lực não chậm chạp và nảy sinh các vấn đề về hô hấp.

Ngoài ra, những khối u ở vùng chậu còn đè nén vào trực tràng, bàng quang, ruột... nên gây cảm giác khó tiểu, hoặc khối u ở tủy sẽ đè nén cột sống và gây tê liệt cơ thể.

5. Chẩn đoán ung thư xương bằng cách nào?

Khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư xương hoặc trong gia đình có tiền sử ung thư xương thì bạn nên đi khám để kiểm tra càng sớm càng tốt. Các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác hơn. Các xét nghiệm ung thư xương gồm:

  • Chụp X-quang: Phương pháp này cho thấy hình ảnh bất thường của xương mà không cần đến phẫu thuật. Dấu hiệu của ung thư xương có thể là xương không lành lặn, có lỗ trong xương hay khối u. Nếu thấy những triệu chứng này, bạn sẽ được làm sinh thiết để xác định xem có bị ung thư xương hay không.
  • Xạ hình xương: Một chất phóng xạ sẽ được tiêm vào mạch máu, chúng di chuyển, gắn vào xương và sẽ được chụp lại bởi máy xạ hình. Bác sĩ có thể chẩn đoán thông qua đánh giá hình ảnh xạ hình.
  • Chụp hình cắt lớp (CT scan): Đây là phương pháp tạo hình sử dụng nhiều tia X từ nhiều góc khác nhau. Hình ảnh CT scan cung cấp những thông tin rõ ràng hơn so với X-quang.
  • Cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này giống với X-quang nhưng thay vào đó sử dụng nam châm mạnh kết nối với máy tính.

ung-thu-xuong-va-nhung-dau-hieu-nhan-biet-khong-the-bo-qua-voh-2

Đau nhức xương khớp thường xuyên thì nên đi xét nghiệm ung thư xương (Nguồn: Internet)

6. Ung thư xương có chữa được không?

Thực tế, ung thư xương có thể chữa được nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Ung thư xương có thể điều trị theo nhiều cách, có thể kết hợp các phương pháp để có kết quả tốt nhất. Tùy vào loại ung thư cũng như thể trạng của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Các phương pháp điều trị ung thư xương bao gồm:

  • Phẫu thuật: Khối u được cắt bỏ với những kỹ thuật ngoại khoa đặc biệt. Lựa chọn này tốn nhiều thời gian để hồi phục sau mổ.
  • Hóa trị: Phương pháp này sử dụng thuốc kháng ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ thường sẽ đề nghị kết hợp các loại thuốc với nhau.
  • Xạ trị: Kỹ thuật này sử dụng tia X năng lượng cao để diệt tế bào ung thư. Xạ trị thường dùng kết hợp với phẫu thuật. Nó có thể có hại cho bệnh nhân sau điều trị và có thể dẫn đến biến chứng.

Các bác sĩ luôn khuyến cáo, khi có biểu hiện đau nhức xương khớp dù chỉ mơ hồ cũng nên đến bệnh viện chuyên khoa để thăm khám, xét nghiệm để chẩn đoán chính xác, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp.