Chờ...

Giun lươn nguy hiểm như thế nào?

(VOH) - Giun lươn là một loại giun tròn có thể tự nhân lên trong cơ thể, nếu không phát hiện sớm nó có thể gây nhiều biến chứng nguy hại đến sức khỏe. Vậy nhiễm giun lươn phải làm sao?

Giun lươn là gì?

Giun lươn có tên khoa học là Strongyloides stercoralis , là một loại giun hình ống nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa ở người vì chúng có thể tự nhân lên trong cơ thể (do quá trình tự nhiễm).

Ở nước ta, tỷ lệ nhiễm giun lươn và tái nhiễm khá cao, chiếm khoảng 1  - 2% dân số. Điều đáng chú ý là khi nhiễm bệnh, giun lươn tồn tại rất lâu trong cơ thể và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa tính mạng người bệnh, trong khi đó, việc điều trị còn nhiều hạn chế.

giun-luon-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh-1

Hình ảnh giun lươn dưới da (Nguồn: Internet)

Giun lươn xâm nhập vào cơ thể như thế nào?

Ấu trùng giun lươn xâm nhập vào cơ thể bằng cách chui qua da. Sau đó theo đường tĩnh mạch về tim, qua phổi, tới khí quản. Tiếp tục, nó tới hầu rồi chuyển sang thực quản, xuống ruột để trở thành giun trưởng thành.

Giun trưởng thành sẽ ký sinh ở niêm mạc ruột, sau khi giao hợp sẽ đẻ trứng. Trứng nhanh chóng phát triển thành ấu trùng dạng tự do và bị đào thải ra ngoài.

Ở môi trường bên ngoài, một ấu trùng tiếp tục phát triển thành giun trưởng thành, ăn vi khuẩn, các chất hữu cơ trong đất, giao hợp, đẻ trứng tạo thế hệ mới.

Bệnh giun lươn thường khó xác định vì nó hay phối hợp với các ký sinh trùng đường ruột khác, gây nên những triệu chứng lâm sàng có tính chất pha trộn. Nhiều trường hợp nhiễm giun lươn mà không có triệu chứng lâm sàng.

Biểu hiện khi nhiễm giun lươn

Tùy vào mức độ bị nhiễm giun lươn mà người bệnh có những triệu chứng khác nhau như:

Dạng mạn tính, không gây biến chứng

  • Ở da: Da người bệnh xuất hiện những đường ngoằn ngoèo (thường là ngang thắt lưng, quanh hậu môn) do ấu trùng di chuyển. Các vết bầm múa (kích thước khoảng 3 – 4cm) rải rác ở các chi, thân mình và nổi mề đay.
  • Ở đường tiêu hóa: Người bệnh đau bụng, tiêu chảy, ngứa hậu môn, sụt cân nhẹ.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị ho, viêm phổi, viêm đa khớp, đau cơ. Có trường hợp tìm thấy ấu trùng giai đoạn 1 trong nước tiểu.

Dạng nặng, có biến chứng

Dạng này thường gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch. Mức độ bệnh tùy thuộc vào mật độ nhiễm và cơ quan bị ký sinh có kèm nhiễm khuẩn hay không.

Tùy theo vị trí ký sinh của ấu trùng trong cơ thể, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện lâm sàng khác nhau ở những cơ quan tương ứng. Do đó, việc chẩn đoán phải dựa vào xét nghiệm huyết thanh miễn dịch học.

Giun lươn có lây không?

Theo Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM, cơ thể người là ổ chứa chính của giun lươn và ấu trùng ra ngoài theo đường phân. Giun lươn cũng có thể có ở một số động vật như chó, khỉ, vượn...

Khi người tiếp xúc với môi trường có ấu trùng giun lươn thì bạn có khả năng bị lây nhiễm, đường lây nhiễm là da, niêm mạc. Tuy nhiên, giun lươn còn có đường truyền nhiễm bất thường là chu kỳ ngược dòng: trong một số điều kiện nhất định, ấu trùng giun lươn dính lại quanh hậu môn phát triển thành ấu trùng có thực quản hình trụ và gây tự nhiễm lại cho bệnh nhân.

Biến chứng nguy hiểm khi nhiễm giun lươn

giun-luon-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh-2

Giun lươn có nguy hiểm không? (Nguồn: Internet)

Bệnh giun lươn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây các biến chứng rất nguy hiểm như sau:

  • Bệnh ở não: Đây là một trong những biến chứng nặng nề, nguy hiểm và tử vong nhiều nhất. Ấu trùng giun lươn phát triển trong lòng ruột, sau đó xuyên qua thành ruột, vào máu, đi thẳng lên não gây viêm não, viêm màng não, áp xe não và xuất huyết não nhưng rất dễ chẩn đoán nhầm với viêm màng não do virus, vi khuẩn, lao, nấm...Do đó, việc điều trị không đúng bệnh có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
  • Bệnh ở phổi: Giun lươn còn có thể gây ra viêm phổi, áp xe phổi, xuất huyết phổi gây khó thở...
  • Bệnh ở hệ tiêu hóa: Giun lươn ký sinh trong thành ruột, đẻ trứng ở đó gây biến chứng viêm ruột, tắc ruột, thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa, tắc nghẽn đường mật.

Ngoài ra, giun lươn còn gây các biến chứng tổn thương ở màng trong của tim, gây viêm tụy, suy gan, suy thận.

Chính vì thế, việc điều trị bệnh giun lươn sớm là vô cùng cần thiết. Hiện nay, phương pháp điều trị giun lươn chủ yếu là sử dụng thuốc.

Biện pháp phòng ngừa nhiễm giun lươn

  • Vệ sinh môi trường: Quản lý tốt phân, nước, rác.
  • Vệ sinh cá nhân, không phóng uế bừa bãi.
  • Áp dụng các biện pháp phòng hộ trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Những người thường hay tiếp xúc với đất nên mang găng tay, đi giày dép, đi ủng.
  • Khi có những biểu hiện nghi ngờ nhiễm giun lươn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm.
  • Nâng cao sức đề kháng cơ thể, ăn nhiều rau, trái cây tươi, luyện tập thể thao hàng ngày để bảo vệ và tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tránh tình trạng suy giảm miễn dịch làm bùng phát bệnh giun lươn lan tỏa.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở
  3. Trang thanhnien.vn
Tưởng viêm dạ dày, nào ngờ phát hiện giun làm tổ: Được chẩn đoán lâm sàng là viêm dạ dày cấp. Tuy nhiên, qua nội soi, các bác sĩ đã phát hiện 2 con giun đũa dài 20cm đang sinh sống trong tá tràng. 
Dấu hiệu nhận biết bị nhiễm giun kim và cách điều trị: Giun kim có thể lây từ người này sang người khác và tái nhiễm cho bản thân người mắc phải. Nhiễm giun kim sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ra một số tác hại. Vậy giun kim gây bệnh gì?