Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hemophilia (bệnh máu khó đông) có chữa được không?

(VOH) - Hemophilia hay còn gọi là bệnh rối loạn đông máu, đây là một bệnh nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Vì vậy, bất cứ ai cũng cần phải chủ động phòng tránh căn bệnh này.

1. Hemophilia là gì?

TS. Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Trung tâm Hemophilia Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, Hemophilia là bệnh máu không đông hay còn gọi là bệnh ưa chảy máu do sự thiếu hụt các yếu tố đông máu trong chuỗi 12 yếu tố giúp đông máu. Hemophilia có 2 thể bệnh chính là Hemophilia A do thiếu yếu tố 8 gây nên, đây là thể bệnh hay gặp nhất. Và loại thứ 2 là Hemophilia B gây ra do thiếu yếu tố số 9. Ngoài ra, bệnh còn có thể bệnh thứ 3 là Hemophilia C nhưng loại này hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 5% trường hợp mắc bệnh.

hemophilia-benh-mau-kho-dong-co-chua-duoc-khong-voh

Hemophilia còn gọi là bệnh rối loạn đông máu hay máu khó đông (Nguồn: Internet)

Bình thường, khi bị chảy máu, cơ thể có một cơ chế tự nhiên để cầm máu. Tuy nhiên, với người bệnh Hemophilia, họ có thể bị chảy máu ngay cả khi không bị chấn thương và rất khó cầm được máu.

2. Nguyên nhân bệnh Hemophilia

Như đã nói ở trên, nguyên nhân gây bệnh Hemophilia là do thiếu các yếu tố làm đông máu (yếu tố số 8 và số 9). Vì vậy, khi phẫu thuật hoặc các vết thương xuất hiện, người bệnh rất khó cầm máu do lúc này cơ thể không sản xuất đủ các protein để đông máu.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh Hemophilia xảy ra do yếu tố di truyền và bé trai sinh ra có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bé gái. Lý giải cho việc này là do gen sản xuất yếu tố đông máu chỉ nằm ở nhiễm sắc thể X. Nam giới (với bộ nhiễm sắc thể XY) khi nhận nhiễm sắc thể X bị gen Hemophilia từ mẹ thì chắc chắn sẽ có biểu hiện của bệnh. 

Trên thế giới với tỷ lệ khoảng 1:10.000 bé trai mới sinh mắc bệnh Hemophilia. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng hơn 6.000 người mắc bệnh này nhưng số ca chẩn đoán, điều trị và quản lý mới chỉ chiếm 50%. 

3. Triệu chứng của bệnh Hemophilia

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Hemophilia (bệnh máu khó đông) khá đa dạng, tùy thuộc vào mức độ của bệnh. Thông thường, bệnh nhân Hemophilia sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

  • Chảy máu quá nhiều từ các vết thương hoặc sau phẫu thuật.
  • Chảy máu không rõ nguyên nhân.
  • Nhiều vết bầm tím lớn trên da.
  • Chảy máu bất thường sau khi tiêm chủng.
  • Có máu trong nước tiểu hoặc phân.
  • Đau hoặc sưng các khớp xương.

Bệnh Hemophilia nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như teo cơ, cứng khớp, biến dạng khớp dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Trường hợp chảy máu ở những vị trí nguy hiểm như não, cổ, miệng,…nếu không được cầm máu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Vì vậy, việc nhận biết và chẩn đoán sớm bệnh Hemophilia có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

4. Bệnh Hemophilia có chữa khỏi được không?

Cũng theo TS. Nguyễn Thị Mai, cho đến nay bệnh Hemophilia không thể chữa khỏi nhưng người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với nó, với điều kiện là được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, hiểu biết về bệnh Hemophilia của đội ngũ y tế còn thấp, dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị không kịp thời, nhiều bệnh nhân đã gặp biến chứng và tử vong do chẩn đoán muộn.

hemophilia-benh-mau-kho-dong-co-chua-duoc-khong-voh

Những người mắc bệnh Hemophilia nên tránh những hoạt động dễ té ngã gây chảy máu (Nguồn: Internet)

Nếu được chẩn đoán bệnh Hemophilia từ sớm thì việc điều trị đúng cách và kiểm soát tốt thì bệnh nhân có thể sống ‘hòa bình’ với căn bệnh này. Dưới đây là một số lưu ý mà người bệnh Hemophilia cần nắm rõ để có thể kiểm soát bệnh tại nhà hiệu quả:

  • Thay đổi lối sống phù hợp với đặc điểm của bệnh như đi đứng nhẹ nhàng cẩn thận, tránh những chấn thương dẫn đến chảy máu.
  • Tạo môi trường sống an toàn, đi ra đường đội mũ bảo hiểm, những nơi trơn trượt trong nhà cần có tay vịn, ánh sáng đầy đủ để tránh té ngã,…
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, kiểm tra định kỳ phòng những viêm nhiễm ở miệng, giảm thiểu tối đa những tình trạng chảy máu do răng miệng.
  • Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức mạnh của cơ bắp, việc này sẽ giúp tình trạng chảy máu ít đi.
  • Tránh dùng các thuốc có thể gây chảy máu như aspirin, histamin và không tiêm bắp hay châm cứu,…
  • Khi gặp các va đập mạnh gây chảy máu thì cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý vết thương lập tức.

5. Bệnh Hemophilia có phòng ngừa được không?

Bệnh Hemophilia có thể do yếu tố di truyền nên không có biện pháp cụ thể nào giúp phòng tránh. Tuy nhiên, nếu phụ nữ chắc chắn rằng mình đang mang gen bệnh Hemophilia thì nên đi khám để được tư vấn, tầm soát các bệnh di truyền trước hôn nhân và trước khi sinh con. Bởi nếu phụ nữ mang gen bệnh này, những đứa con trai được sinh ra có nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Bình luận