Chờ...

Hội chứng sợ lỗ - nguyên nhân và cách điều trị

(VOH) - Hãy tìm hiểu lý do vì sao bạn sợ nhìn thấy những thứ có nhiều lỗ tròn như tổ ong, đài sen,…Bài viết này sẽ không đăng tải những hình ảnh ghê rợn, khiến bạn phải sợ hãi.

1. Hội chứng sợ lỗ là gì?

Chứng sợ lỗ (tên khoa học là Trypophobia) là một nỗi sợ hãi hay ghê tởm bởi một chùm lỗ tròn nằm sát nhau. Những người này thường cảm thấy ghê rợn, nổi da gà, sợ hãi, buồn nôn…khi nhìn vào bề mặt các lỗ nhỏ tụm lại gần nhau. Ví dụ như bề mặt gương sen hoặc thân quả dâu tây có thể gây ra cảm giác khó chịu đối với nhóm người mắc chứng sợ lỗ.

hoi-chung-so-lo-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh

Hội chứng sợ lỗ tròn không được y học công nhận là một căn bệnh (Nguồn: Internet)

Hội chứng sợ lỗ không được chính thức công nhận là rối loạn tâm thần nhưng có thể thuộc phạm vi rộng của ám ảnh cụ thể nếu sợ hãi có liên quan và nỗi sợ hãi quá mức và đau khổ.

2. Biểu hiện của người mắc chứng sợ lỗ

Các triệu chứng được cho là gây kích hoạt khi một người nhìn thấy một cụm các lỗ nhỏ hoặc hình dạng tương tự như lỗ. Khi nhìn thấy các lỗ, những người có chứng sợ lỗ phản ứng ghê tởm hay sợ hãi. Một số biểu hiện xuất hiện bao gồm:

  • Nổi da gà.
  • Cảm giác ghê tởm.
  • Cảm thấy khó chịu.
  • Cảm giác trực quan khó chịu như mỏi mắt hoặc ảo tưởng.
  • Đau khổ.
  • Cảm giác sởn gai ốc.
  • Cơn hoảng loạn.
  • Đổ mồ hôi.
  • Buồn nôn.
  • Rung giật.

3. Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ lỗ là gì?

Hội chứng sợ lỗ được đề xuất lần đầu tiên tại một diễn đàn trực tuyến năm 2005 nhưng ban đầu nó không được y học công nhận là một chứng bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người cho biết họ cảm thấy thực sự sợ hãi trước những cái lỗ. Nhiều trường hợp nổi da gà, loạn nhịp tim, thậm chí khó thở.

Nghiên cứu về hội chứng sợ lỗ tròn vẫn còn khá hạn chế, nhưng một số lý thuyết có đề cập đến nguyên nhân gây ra hội chứng này.

hoi-chung-so-lo-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh

Nhiều người cũng rất sợ khi nhìn vào gương sen (Nguồn: Internet)

Nghiên cứu của các nhà tâm lý tại Đại học Kent (Anh) cho thấy phản ứng của một số người khi nhìn thấy các lỗ được coi là sự nổi loạn sinh học, chứ không phải là chứng bệnh tâm lý. Theo đó, sự ác cảm đối với các lỗ nhỏ liên quan đến các mầm bệnh lây truyền qua da như đậu màu, rubella, sởi,…Điều này cũng giải thích cảm giác ngứa ngáy của người bệnh khi nhìn vào các lỗ tròn vô hại.

Một giải thích khác cho rằng nguyên nhân khiến nhiều người mắc hội chứng này là do não bộ bị quá tải. Theo đó, những hình ảnh cụm lỗ khiến khu vực chịu trách nhiệm phân tích thông tin thị giác không làm việc hiệu quả. Khi đó, để xử lý thông tin này, não bộ yêu cầu nhiều oxy hơn. Tuy nhiên, đối với một số người, điều này khiến não bị quá tải, dẫn đến cơ thể phản ứng lại bằng các cảm giác như chóng mặt, buồn nôn,…để buộc những người này không tiếp tục nhìn nữa.

Ngoài ra, một nghiên cứu từ năm 2017 tìm thấy mối liên hệ giữa chứng sợ lỗ với rối loạn trầm cảmrối loạn lo âu lan tỏa. Theo các nhà nghiên cứu, những người có chứng sợ lỗ có nhiều khả năng bị rối loạn trầm cảm hoặc rối loạn lo âu lan tỏa. Một nghiên cứu khác công bố vào năm 2016 cũng ghi nhận mối liên hệ giữa sự lo âu xã hội và chứng sợ lỗ.

Những người mắc chứng sợ lỗ thường sẽ sợ hãi khi nhìn thấy những thứ sau đây:

  • Bề mặt gương sen.
  • Tổ ong.
  • Quả dâu tây.
  • San hô.
  • Quả lựu.
  • Bọt hình bong bóng.

hoi-chung-so-lo-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh

Các lỗ tròn xếp thành cụm như tổ ong khiến những người mắc chứng sợ lỗ ghê sợ (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, các động vật, bao gồm côn trùng, động vật lưỡng cư, động vật có vú và các sinh vật khác với da hoặc lông có đốm cũng có thể gây ra các triệu chứng của chứng sợ lỗ.

4. Điều trị chứng sợ lỗ bằng phương pháp nào?

Có nhiều cách khác nhau để điều trị một nỗi ám ảnh. Các hình thức điều trị hiệu quả nhất là điều trị tiếp xúc. Liệu pháp tiếp xúc là một loại trị liệu tâm lý, tập trung vào việc thay đổi đáp ứng của bạn đối với đối tượng hoặc tình huống gây ra sợ hãi.

Các lựa chọn điều trị khác có thể giúp bạn quản lý ám ảnh bao gồm:

  • Liệu pháp nói chuyện thông thường với một chuyên gia hoặc bác sĩ tâm thần.
  • Các thuốc như thuốc chẹn beta và thuốc an thần giúp giảm các triệu chứng lo lắng và hoảng sợ.
  • Các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu và yoga.
  • Hoạt động thể chất và tập thể dục để quản lý lo lắng.
  • Tập trung vào hơi thở, quan sát, lắng nghe và các cách tập trung tâm trí khác giúp đối phó với căng thẳng.

Lời khuyên: Nếu nhận thấy bạn mắc hội chứng sợ lỗ, hãy đến gặp các chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý để được tư vấn và cho lời khuyên.

Bình luận