Cuối tháng 11/2024, tỉnh Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do nhiễm cúm A/H1PDM chỉ trong vòng 2 tuần. Những ca tử vong do cúm A/H1PDM đều có dấu hiệu chuyển nặng nhanh chóng, gây áp lực lên hệ thống y tế địa phương.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Nguyên Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM, bệnh cúm nếu xuất hiện ở một người bình thường khỏe mạnh thì bệnh sẽ có diễn tiến rất nhẹ và nhanh, chỉ trong vòng từ 1 - 2 tuần là cơ thể người bệnh sẽ phục hồi.
Tuy nhiên, đối với một số người có bệnh lý nền, ví dụ: các bệnh lý về gan mãn tính, bệnh lý về tim mạch, bệnh lý về đái tháo đường và đặc biệt là bệnh lý về đường hô hấp, có thể kể đến như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh hen phế quản… nếu bị nhiễm cúm, nó sẽ khiến tình trạng bệnh lý nền càng nặng thêm.
Một số trường hợp, người có bệnh lý nền nhiễm cúm A/H1PDM có thể rơi vào tình trạng biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong. Ví dụ: đối với người mắc bệnh COPD nếu bị cúm có thể sẽ gặp tình trạng khó thở và đôi khi người bệnh phải nhập viện cấp cứu.
Bên cạnh đó, với những người bệnh đang tiềm ẩn một bệnh lý nào đó thì việc nhiễm cúm A/H1PDM sẽ làm cho những căn bệnh tiềm ẩn đó tiến triển nhanh hơn.
Đó là lý do vì sao những người có bệnh lý nền luôn được xem là đối tượng nguy hiểm khi không may mắc phải bệnh cúm A/H1PDM.
TS.BS Nguyễn Thị Sơn
Nguyên Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM
Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.