Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phòng, chống cúm A/H5N1 bằng cách nào?

VOH - Virus cúm A/H5N1 có xu hướng đột biến. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng có khả năng kết hợp với virus cúm ở người tạo thành loại virus mới có độc tính cao, làm tăng nguy cơ tử vong. 

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Thêm vào đó, thời điểm này đang là giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường cũng là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh cúm A/H5N1. 

Trước vấn đề này, BS Huỳnh Lê Trường, Giảng viên Đại Học Y Dược TPHCM cho biết, trong đời sống ngày nay, con người đang phải đối mặt với nhiều loại bệnh tật, nhất là khi khí hậu thay đổi thất thường. Trong đó, virus cúm A/H5N1 dễ lây truyền từ gia cầm sang người, phát triển theo những chiều hướng phức tạp, đe dọa tính mạng người bệnh. 

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc cúm A/H5N1

Đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm cúm A H5N1 chủ yếu là:

  • Người làm công việc tiếp xúc với gia cầm. Ví dụ: người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán thịt gia cầm… 
  • Người có thói quen ăn thịt gia cầm, nhất là các loại thịt chim thiên nhiên, không gõ nguồn gốc.
voh-phong-chong-cum-ah5n1-bang-cach-nao
Cúm A/H5N1 có khả năng lây truyền từ gia cầm sang người - Ảnh: Internet

Làm thế nào để ngăn ngừa cúm A/H5N1 lây nhiễm trong cộng đồng?

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm A/H5N1, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp sau: 

  • Thứ nhất, hãy tập thói quen mang khẩu trang khi đi ra ngoài, đặc biệt là đến những nơi lạ. Việc này giúp con người hạn chế hít phải các loại virus tồn tại trong không khí. 
  • Thứ hai, việc đầu tiên sau khi về nhà là rửa tay bằng xà phòng, tránh đưa virus vào bên trong cơ thể. Bởi con người vẫn có khả năng nhiễm bệnh nếu bàn tay tiếp xúc với các mặt phẳng có chứa chất tiết của những loài chim, gia cầm hay giọt bắn từ hơi thở của những người xung quanh. 
  • Thứ ba, cần chủ động chích ngừa vaccine cúm mùa để nâng cao sức đề kháng và làm giảm triệu chứng nếu không may mắc phải virus cúm A/H5N1. 
  • Thứ tư, áp dụng các phương pháp nâng cao sức khỏe tổng quát. Ví dụ: sinh hoạt điều độ; sử dụng nhiều rau xanh, trái cây có chứa các loại vitamin; thường xuyên tập thể dục…
  • Thứ năm, hạn chế sử dụng điều hòa liên tục, thay vào đó nên tận dụng ánh sáng mặt trời và gió tự nhiên. Cần biết rằng, trong môi trường sống bên cạnh bụi, lông vật nuôi còn tồn tại mầm bệnh. Việc tận dụng ánh sáng mặt trời giúp tiêu diệt mầm bệnh; thông gió tự nhiên làm cho không gian thoáng đãng, không khí lưu thông tốt, cuốn bay các tác nhân gây hại ra ngoài. Từ đó tạo nên môi trường sống sạch sẽ, không khí trong lành. 
  • Thứ sáu, cần phân biệt các triệu chứng giữa cúm A/H5N1 và bệnh cúm thông thường. Cụ thể, sau khi sử dụng các loại thịt, trứng gia cầm hoặc mới đi du lịch về mà cơ thể xuất hiện một số dấu hiệu như sốt, ho, đau đầu… và có xu hướng diễn biến tương đối nhanh, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. 
  • Cuối cùng, nếu không may mắc phải cúm A/H5N1, người bệnh không nên hoang mang, vì hiện đã có phương pháp điều trị khá tốt. Việc cần làm là đến cơ sở y tế, thông báo với người nhà để kịp thời cách ly, có các biện pháp phòng chống lây lan ra môi trường xung quanh như đeo khẩu trang, mang bao tay… 

Với các cách phòng chống bệnh cúm A/H5N1 trên, mỗi cá nhân sẽ tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả những người xung quanh. 

banner-virus-cum-ah5n1-voh-nsk

Hãy cùng theo dõi voh.com.vn - Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận