Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Hướng dẫn sơ cứu khi bị chó mèo cắn 

VOH - Việc xác định chó mèo bị dại cũng như nắm vững các bước sơ cứu khi bị con vật cắn là điều cần thiết nhằm bảo vệ tính mạng của bản thân và những người xung quanh. 

Theo Cục Y Tế Dự Phòng - Bộ Y Tế, khoảng 96 - 97% trường hợp mắc bệnh dại là do chó lây truyền sang người, sau đó là mèo chiếm 3 - 4%. Mỗi khi lên cơn dại, con vật sẽ cắn người, cắn các con vật khác hoặc tự cắn chính nó. Vì vậy, chó mèo bị dại rất nguy hiểm, là nguy cơ lớn truyền bệnh dại cho người và súc vật. 

Bên cạnh việc tiêm vaccine, TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa - Trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh, việc nắm rõ dấu hiệu chó mèo bị bệnh dại và các bước sơ cứu khi bị con vật cắn là rất quan trọng.

Làm thế nào để xác định chó mèo bị bệnh dại?

Theo TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, khi khởi phát bệnh, chó mèo, đặc biệt là chó sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình như: bồn chồn bất thường, ủ rũ; thường chui vào góc tốc ở một mình; cắn, sủa vu vơ, đớp không khí như đớp mồi…

Sau từ 1 - 2 ngày, khi chuyển qua thể hung dữ, con vật sẽ biểu hiện những biến loạn quá độ như: cắn, sủa điên cuồng; gào rú, tru mất kiểm soát; chảy nước dãi; sùi bọt mép; bỏ nhà đi và chết. 

Đối với thể liệt, chó sẽ bị liệt hai chi dưới rồi liệt dần, sau đó tử vong. 

voh-huong-dan-so-cuu-khi-bi-cho-meo-can-1
Vấn đề xử trí, sơ cứu vết thương sau khi bị chó mèo cắn là rất quan trọng - Ảnh: Internet

Các bước sơ cứu khi bị chó mèo cắn

TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa khẳng định, biện pháp đầu tiên và quan trọng, tương đương với tiêm vaccine phòng dại đó là thực hiện các biện pháp vật lý cũng như hóa học để tiêu diệt virus dại ngay tại vết cắn. 

Cần lưu ý rằng, không thực hiện các biện pháp sơ cứu được lưu truyền trong dân gian bởi cách đó không hiệu quả. 

Sau khi bị chó mèo cắn, tùy vào mức độ vết thương mà ta có những cách xử trí khác nhau. 

Đối với vết thương nhỏ, không phải gây ra bởi động vật hoang dã: 

  • Rửa vết thương bằng vòi nước mạnh và xà phòng đặc trong vòng 15 phút. Trong đó, vòi nước mạnh giúp tẩy sạch chất nhớt, nước bọt, dị vật… bám trên vết cắn; còn xà phòng đặc giúp bất hoạt và làm chết siêu vi dại.
  • Sát trùng lại bằng cồn iod hoặc cồn 70 độ.

Trường hợp bị chó cắn sâu, máu chảy nhiều:

  • Băng cầm máu rồi đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu. 
  • Tại đây, bệnh nhân sẽ được tư vấn chích ngừa dại, chích ngừa uốn ván hoặc cho sử dụng kháng sinh.

TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa
Trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

banner-benh-dai-voh-nsk

Hãy cùng theo dõi VOH Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.