Bệnh dại có tỷ lệ tử vong xấp xỉ 100% nếu không được phát hiện và tiêm ngừa vắc xin kịp thời. Thế nhưng, khác với nhiều căn bệnh nhiễm trùng khác, virus dại lại không thể được phát hiện bằng xét nghiệm máu và nước tiểu ở giai đoạn sớm.
Vậy tại sao các xét chẩn đoán thông thường qua máu hoặc nước tiểu lại không thể xác định được bệnh dại? Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Đặng Trung Nghĩa - Trưởng bộ môn Nhiễm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã có những chia sẻ về vấn đề này như sau:
Đầu tiên, khi một loài động vật bị dại cắn người bình thường, virus dại sẽ thông qua vết cắn để xâm nhập và bắt đầu nhân số lượng ngay tại vị trí vết cắn (bắp cơ).
Sau khi virus tăng sinh, chúng sẽ tiến hành xâm nhập vào dây thần kinh và tiếp tục di chuyển dọc theo các dây thần kinh vào trong tủy sống rồi đi lên não.
Virus dại khi đã lên tới não sẽ gây tổn tổn thương các tế bào thần kinh ở vùng sừng Amon, ở hành tủy, dẫn đến viêm não. Khi bệnh nhân khởi phát viêm não cũng là lúc bệnh nhân có biểu hiện dại.
Tiếp theo, từ hệ thần kinh trung ương, virus dại đi theo dây thần kinh di chuyển đến tuyến nước bọt và da của bệnh nhân.
Thời điểm này, nếu làm xét nghiệm sinh thiết da gáy sẽ phát hiện được sự tồn tại của virus dại ở dịch não tủy (dịch bao quanh não), nước bọt và da.
Do đó, xét nghiệm virus dại chủ yếu thực hiện trên những bệnh nhân đã có biểu hiện lâm sàng. Ở người, không thể phát hiện được virus dại trong giai đoạn sớm thông qua các xét nghiệm máu và nước tiểu thông thường khi các triệu chứng của bệnh chưa xuất hiện.
Đừng quên theo dõi VOH - Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.