Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Tiêm phòng dại có gây suy giảm trí nhớ, tổn thương thần kinh?

VOH - Một bộ phận người dân cho rằng, tiêm vaccine phòng dại sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thể chất và tâm thần. Quan niệm sai lầm này khiến số lượng ca tử vong vì bệnh dại tăng cao. 

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa - Trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch.

VOH: Tiêm vaccine được cho là cách phòng ngừa bệnh dại tốt nhất, nhưng có thông tin cho rằng, tiêm vaccine ngừa dại sẽ làm mất trí nhớ ở người lớn và chậm phát triển ở trẻ em, điều này đúng hay không?

TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa: Vaccine ngừa dại hiện nay là vaccine nuôi cấy trên môi trường tế bào, không phải được nuôi cấy trên mô não của động vật như thể cũ. Do đó, vaccine hiện nay không gây mất trí nhớ, không làm chậm phát triển tâm thần vận động, không gây tác dụng phụ như viêm não… 

voh-tiem-phong-dai-co-gay-suy-giam-tri-nho-ton-thuong-than-kinh-1
Tiêm phòng dại và những điều cần biết - Ảnh: Internet

VOH: Những tác dụng phụ có thể gặp phải khi tiêm vaccine ngừa dại là gì?

TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa: Trong trường hợp bị chó cắn, bệnh nhân sẽ được chỉ định chích ngừa:

  • Vaccine ngừa dại: là loại vaccine an toàn, rất ít tác dụng phụ. Cơ chế hoạt động là tạo ra kháng thể chống lại virus dại. Do đó, cần thời gian từ 1 - 3 tuần mới đủ kháng thể để chống lại virus dại. 
  • Huyết thanh kháng dại: cung cấp ngay lập tức kháng thể để cô lập, ngăn chặn virus dại xâm nhập qua vết cắn. Chỉ định đối với bệnh nhân bị vết cắn xuyên thấu da gây chảy máu hoặc bị liếm ở niêm mạc. 

Hiện nay, huyết thanh ở Việt Nam là loại chiết xuất từ máu ngựa nên có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bị sốc phản vệ. Do đó, sau khi tiêm phòng, bệnh nhân sẽ được theo dõi sát từ 1 - 2 giờ tại cơ sở y tế. Ngoài ra, ở một số người có thể xuất hiện tình trạng sốt, phát ban, nổi mề đay... 

Đối với vaccine ngừa dại thế hệ mới hiện nay rất an toàn, có thể tiêm cho cả phụ nữ mang thai và trẻ em ở mọi lứa tuổi.

VOH: Khi tiêm phòng dại có phải kiêng khem gì không?

TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa: Tương tự như những vaccine khác, sau khi tiêm phòng dại, bệnh nhân phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, bao gồm không sử dụng các loại thuốc làm giảm tác dụng của vaccine.

Đối với thực phẩm, ăn uống, ngoài việc hạn chế rượu, bia, người sau tiêm phòng không cần kiêng khem gì cả.

VOH: Một người đã tiêm phòng dại khi bị chó cắn có nguy cơ mắc bệnh không? 

TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa: Vaccine ngừa dại sau khi tiêm đủ thì vẫn cần phải tiêm nhắc lại. Bởi vì nó không tồn tại kéo dài sau một thời gian, nồng độ kháng thể lúc này sẽ xuống thấp.

Do đó, những người làm các công việc thường xuyên tiếp xúc với virus dại như là nhân viên thú y, thợ săn, đội bắt chó thả rông hoặc nhân viên phòng thí nghiệm bệnh dại… cần phải kiểm tra nồng độ kháng thể và tiêm định kỳ.

Còn đối với người thường, sau khi đã tiêm đủ vaccine dại mà bị chó cắn thì nguy cơ mắc bệnh vẫn có. Do đó, cần phải tiêm nhắc lại 2 mũi vaccine. 

TS. BS Hồ Đặng Trung Nghĩa

Trưởng bộ môn Nhiễm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

banner-benh-dai-voh-nsk

Hãy cùng theo dõi VOH Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.