Chờ...

Học cách tự vệ và thoát thân khi bị chó tấn công

(VOH) – Chó là loài động khá thân thiết với con người, tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu bị chúng cắn. Vậy làm thế nào để có thể thoát thân khi nhận thấy chó đang có ý định tấn công?

Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định xử phạt về hành vi thả rông chó, vật nuôi gây nguy hiểm cho người khác. Thế nhưng, vẫn có không ít trường hợp người đi đường bị chó tấn công gây thương tích, thậm chí tử vong. Do đó, học cách tự vệ và phòng tránh bị chó cắn là hết sức cần thiết với tất cả mọi người.

Học cách tự vệ và thoát thân khi bị chó tấn công 1
Mỗi người cần học cách tự vệ và thoát thân khi bị chó dữ tấn công

Vậy trong trường hợp chẳng may bị chó tấn công, chúng ta cần làm gì để thoát thân và không bị nguy hiểm? Dưới đây là một số cách ứng phó mà bạn có thể tham khảo.

1. Cách ngăn chặn cuộc tấn công của chó

Nếu bạn nhìn thấy một con chó đang nhìn chằm chằm vào bạn với tư thế như muốn tấn công, hãy thật bình tĩnh và làm theo các cách sau:

1.1 Không la hét, hốt hoảng

Khi bất ngờ gặp chó dữ, nếu bạn la hét, hoảng loạn thì chó sẽ càng hung hăng và sẵn sàng tấn công vì nó cảm nhận được bạn đang sợ hãi. Thay vì hoảng sợ, la hét bạn hãy hết sức bình tĩnh và tránh nhìn vào mắt nó, bởi giao tiếp bằng mắt là một tín hiệu bắt đầu cuộc chiến.

1.2 Giữ tư thế cứng và bất động

Khi thấy con chó đang tiến đến, bạn hãy đứng yên, hai tay để hai bên, tư thế giống như một cái cây và nhìn lãng đi chỗ khác. Một số trường hợp, con chó sẽ không còn hứng thứ và bỏ đi nếu thấy bạn phớt lờ.

Nếu con chó tiến lại gần và bắt đầu ngửi, bạn cứ để yên. Bạn đừng di chuyển và cũng đừng cố chạm tay vào chó, bởi hành động này được coi như một cuộc tấn công.

Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt một thứ gì đó như ba-lô, ô, giày hoặc áo khoác ở giữa mình và chó để tạo khoảng cách nhằm đánh lạc hướng và nó phân tâm.

1.3 Không bỏ chạy

Hành động bỏ chạy có thể đánh thức bản năng săn mồi của chó. Nó sẽ sẵn sàng lao theo tấn công bạn vì nghĩ bạn là con mồi lý tưởng. Chúng ta cũng không thể chạy nhanh hơn chó nếu đang chạy bộ, vì vậy bỏ chạy chính là một hành động sai lầm.

2. Cách “đáp trả” khi bị chó tấn công

Khi nhận thấy con chó muốn lao vào tấn công, bạn hãy đề phòng và bảo vệ cơ thể bằng cách:

2.1 Tỏ vẻ nghiêm khắc và ra lệnh

Bạn đã làm mọi cách nhưng con chó vẫn tỏ ra hung hãn, muốn tấn công bạn. Lúc này bạn cần phải đối mặt với nó và nghiêm khắc ra lệnh cho nó rút lui.

Học cách tự vệ và thoát thân khi bị chó tấn công 2
Nếu thấy chó hung hãn và muốn lao vào cắn bạn hãy tỏ ra nghiêm khắc và ra lệnh "rút lui"

2.2 Chống trả khi bị tấn công

Nếu con chó vẫn không nghe và bắt đầu lao về phía bạn để tấn công, bạn buộc phải tự vệ. Bạn hãy đánh hoặc đá vào cổ họng, mũi hoặc gáy của chó để làm nó choáng váng và bạn có thời gian chạy thoát thân.

2.3 Lợi dụng sức nặng cơ thể

Bạn cũng có thể lợi dụng sức nặng toàn bộ cơ thể để đè lên con vật, đặc biệt nên dùng những điểm cứng như đầu gối và khuỷu tay ấn mạnh xuống để nó không có cơ hội vùng dậy.

Đồng thời bạn cũng cần bảo vệ những vùng quan trọng trên cơ thể. Theo một nghiên cứu của giáo sư Sebastian, đầu, mặt và cổ là những thường thu hút chó nhất. Do đó, hãy bảo vệ bản thân và những vùng quan trọng trên cơ thể nếu bị chó tấn công.

Xem thêm:
Vĩnh Long: Người đi tiêm ngừa dại do chó, mèo cắn tăng cao
Điều tra vụ người đàn ông dắt chó không rọ mõm còn đánh người
Người bị chó mèo cắn, đi chích ngừa dại tăng đột biến sau Tết

3. Cách xử lý nếu bị chó cắn

Nếu chẳng may bị chó cắn, bạn cần chăm sóc vết thương ngay lập tức, bởi chỉ một vết thương nhẹ cũng có thể gây nhiễm trùng và mắc bệnh dại. Một số thủ thuật sơ cứu khi bị chó cắn bạn cần nhớ là:

3.1 Cầm máu vết thương

Dùng mảnh vải sạch hoặc băng gạc vô trùng để cầm máu vết thương bị chó cắn. Nếu vết thương chảy máu nghiêm trọng hoặc không thể cầm máu sau nhiều phút, bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

3.2 Rửa kỹ vết thương

Sau khi cầm được máu, bạn dùng nước ấm và xà phòng nhẹ nhàng rửa sạch vết thường và vùng da xung quanh vết thương.

3.3 Băng bó vết thương

Nếu vết thương nhỏ bạn dùng băng cá nhân dán chặt lại. Trường hợp vết rách lớn bạn cần dùng loại băng gạc vô trùng.

3.4 Đến cơ sở y tế để tiêm phòng

Sau khi sơ cứu vết thương tại nhà bạn cần đến cơ sở tiêm chủng để được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại càng sớm càng tốt.

Với nhiều người, chó được nuôi để giữ nhà, để làm bạn. Nhưng một số tình huống không mong muốn, chúng lại cắn người. Vì thế, học cách tự vệ và thoát thân là điều cần thiết để bạn bảo vệ chính mình trước những loài chó dữ.

Tổng hợp