Phun thuốc diệt muỗi liệu có cần thiết và an toàn cho sức khỏe?

(VOH) - Phun thuốc diệt muỗi là một cách phòng các bệnh do muỗi gây ra như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… rất hiệu quả. Các đợt phun thuốc đã làm giảm đáng kể số lượng muỗi và số ca mắc bệnh.

Để phòng chống muỗi gây ra các dịch bệnh, mà thường gặp nhất là dịch sốt xuất huyết, cần có một chương trình kiểm soát muỗi tích hợp, bao gồm:

  • Loại bỏ môi trường sống của muỗi bằng cách vứt các thùng hoặc máng chứa nước đọng.
  • Sử dụng màn chống muỗi hoặc máy điều hòa lúc ngủ.
  • Kiểm soát muỗi trưởng thành bằng cách sử dụng thuốc diệt côn trùng.
  • Mặc quần áo dài tay.
  • Phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng.
phun-thuoc-diet-muoi-lieu-co-can-thiet-va-an-toan-cho-suc-khoe-voh-1
Phun thuốc diệt muỗi là cách hiệu quả để phòng dịch (Nguồn: Internet)

Phun thuốc diệt muỗi là một kỹ thuật phun không gian. Hóa chất được phun ra dưới dạng mù nóng, các hạt hóa chất bay lơ lửng trong không gian, bám vào và gây chết muỗi.

Phun thuốc là một phần của giải pháp kiểm soát muỗi, giúp giảm nhanh chóng số lượng muỗi trên diện rộng.

1. Các loại thuốc diệt muỗi

Các sản phẩm thuốc diệt côn trùng hiện nay gồm ba nhóm:

  • Nhóm có gốc clo hữu cơ
  • Nhóm có gốc phốt pho hữu cơ
  • Nhóm có gốc Pyrethrine

Thuốc phun diệt muỗi được Bộ Y tế cấp phép sử dụng là nhóm Pyrethrine. Hai nhóm còn lại đã bị cấm sử dụng do độc hại. 

2. Phạm vi áp dụng và thời gian phun thuốc diệt muỗi

Bộ Y tế có những hướng dẫn cụ thể về từng địa phương về cách phun thuốc diệt muỗi để đạt hiệu quả tốt nhất, hỗ trợ phòng chống dịch.

2.1 Phạm vi áp dụng thuốc diệt muỗi

Phun thuốc diệt muỗi thích hợp với các khu vực không gian rộng, địa hình phức tạp, bao gồm:

  • Các khu vực công cộng: bến xe, chợ, công viên, nghĩa trang
  • Khu vực trường học, khu công nghiệp, ký túc xá, lán trại
  • Các tòa nhà, chung cư cao tầng tại các khu đô thị
  • Các khu công trường đang xây dựng
  • Các hộ gia đình có diện tích rộng
  • Các ngõ xóm dài và phức tạp về địa lý
  • Và những khu vực đặc thù khác theo chỉ định của cơ quan y tế dự phòng.

Xem thêm: Phòng bệnh sốt xuất huyết, Diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt

2.2 Thời gian phun thuốc diệt muỗi

Giờ hoạt động của mỗi loại muỗi khác nhau. Loài muỗi Aedes gây bệnh sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày, mạnh nhất vào đầu buổi sáng. Do đó thời gian phun thuốc diệt muỗi sốt xuất huyết hiệu quả nhất là vào buổi sáng và trước khi mặt trời lặn. 

phun-thuoc-diet-muoi-lieu-co-can-thiet-va-an-toan-cho-suc-khoe-voh-2
Muỗi Aedes gây bệnh sốt xuất huyết (Nguồn: Internet)

Ngược lại, loài muỗi culex tritaeniorhynchus truyền bệnh viêm não Nhật Bản, thời gian hoạt động chính lại là ban đêm, ban ngày bay ra ruộng lúa để sinh sản. Vì vậy thời gian phun thuốc muỗi hiệu quả nhất là từ 19 - 22h đêm.

Ngoài ra cần chú ý, nhiệt độ môi trường phù hợp nhất để phun từ 18°C - 27°C, hạn chế phun khi nhiệt độ >28°C. Chỉ phun khi tốc độ gió từ 3 - 15 km/giờ (gió nhẹ), không phun khi trời mưa hoặc gió lớn (vận tốc gió quá 15km/giờ).

3. Lưu ý khi phun thuốc diệt muỗi

Dù hóa chất dùng để phun diệt muỗi diện rộng đã được Bộ Y tế cấp phép và chứng minh là an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho người dân. Khi thực thực hiện phun thuốc, cần lưu ý những điều sau.

3.1 Trước khi phun thuốc diệt muỗi

Trước khi tiến hành phun thuốc các đơn vị thực hiện sẽ thông báo trước cho dân cư khu vực phun hóa chất biết ngày phun, giờ phun, nhắc nhở người dân thực hiện những điều sau:

  • Tắt lửa, di chuyển, che đậy các vật dễ cháy
  • Đảm bảo không có người và vật nuôi (chó mèo, chim cảnh...) trong nhà trước và trong khi phun hóa chất
  • Che đậy thức ăn, nước uống 
  • Di chuyển vật nuôi đến nơi an toàn 
  • Che đậy hoặc di chuyển bể cá, ...
  • Không phun nhà có nuôi ong mật.

3.2 Trong khi phun thuốc

Tạm rời khỏi nhà và khu vực phun thuốc ít nhất 30 phút để thuốc khô và tránh hít phải hơi thuốc. Tuyệt đối không đi theo sau nhân viên phun thuốc.

Đối với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch nên ở ngoài từ 1 - 2 giờ rồi mới vào nhà.

Xem thêm: Mách mẹ 6 cách đơn giản giúp trẻ không bị muỗi tấn công

3.3 Sau phun thuốc diệt muỗi

Người dân lau dọn lại nhà cửa, đồ dùng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, các sinh hoạt sau đó diễn ra bình thường.

Tất cả các hóa chất diệt muỗi được sử dụng phải được cất giữ ở nơi an toàn và phù hợp với khuyến nghị của nhà sản xuất. Hóa chất diệt muỗi đã pha loãng không được tồn dư trong máy quá 72 giờ.

phun-thuoc-diet-muoi-lieu-co-can-thiet-va-an-toan-cho-suc-khoe-voh-3
Bảo quản hóa chất diệt muỗi đúng quy định (Nguồn: Internet)

Các thùng chứa và hóa chất diệt muỗi thừa phải được xử lý theo các hướng dẫn và quy định quốc gia. Thùng rỗng phải được làm khử sạch trước khi thải bỏ.

4. Phun thuốc diệt muỗi có ảnh hưởng đến sức khỏe con người không?

Nếu thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành Y tế, thuốc diệt muỗi hoàn toàn không có ảnh hưởng tiêu cực nào tới môi trường sống, động vật, thực vật cũng như sức khỏe con người. Có một số người có phản ứng dị ứng với thuốc, tuy nhiên cũng rất hiếm gặp.

Một số trường hợp cơ địa nhạy cảm có thể có các biểu hiện như: đỏ mắt, buồn nôn, ho, sổ mũi, mẩn ngứa....cần được rửa kỹ bằng nước sạch nhiều lần. Nếu không đỡ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Trường hợp mắt bị dính thuốc phun muỗi cần rửa với nước sạch nhiều lần trong vòng 15 - 20 phút. Đi khám bác sĩ nếu tình trạng không đỡ, khi khám mang theo mẫu sản phẩm.

Quần áo, giày dép dính thuốc diệt muỗi nên cởi bỏ và giặt sạch sẽ trước khi sử dụng lại.

Trong trường hợp nuốt phải thuốc phun muỗi, uống 1 - 2 ly nước và nhanh chóng mang theo nhãn sản phẩm đến cơ sở y tế gần nhất.

Phun hóa chất tiêu diệt muỗi là phương pháp hiệu quả, cần thiết và an toàn để phòng dịch sốt xuất huyết, nhưng lại chỉ có tính thời điểm. Bởi vậy, ngoài phối hợp với ngành y tế trong công tác phun thuốc, cần phối hợp với việc tìm diệt các ổ bọ gậy, loăng quăng, việc phòng chống bệnh mới bền vững.