Rối loạn lưỡng cực là gì? Nhận biết và điều trị ra sao?

(VOH) - Áp lực cuộc sống khiến số người mắc bệnh rối loạn lưỡng cực ngày càng tăng. Vậy đây là căn bệnh gì? nó ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống như thế nào? hãy tìm hiểu ngay.

1. Rối loạn lưỡng cực là gì?

Rối loạn lưỡng cực là một chứng bệnh rối loạn tâm thần gây ra sự biến đổi cảm xúc không ổn định. Người bệnh chuyển từ cảm xúc hưng phấn (hưng cảm) sang cảm xúc ức chế (trầm cảm). Bệnh có tính chất chu kỳ xen kẽ giữa hưng phấn và ức chế.

roi-loan-luong-cuc-la-gi-nhan-biet-va-dieu-tri-ra-sao-voh-1

Rối loạn lưỡng cực là chứng bệnh rối loạn tâm thần (Nguồn: Internet)

Sự thất thường của trạng thái tâm lý người bệnh rối loạn lưỡng cực thường xuất hiện vài lần trong năm hoặc có thể nhiều lần trong tuần.

2. Nguyên nhân rối loạn lưỡng cực là gì?

Nguyên nhân cụ thể của chứng rối loạn lưỡng cực đến nay các nhà khoa học vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể tham gia trong việc gây ra và kích hoạt những cơn lưỡng cực. Các yếu tố đó gồm:

2.1 Sự thay đổi các quá trình sinh học trong cơ thể

Ở những bệnh nhân có rối loạn lưỡng cực xuất hiện có sự thay đổi vật lý trong não. Tầm quan trọng của những thay đổi ở não này hiện nay vẫn chưa chắc chắn nhưng có thể giúp chỉ điểm nguyên nhân gây bệnh.

2.2 Các chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể

Sự mất cân bằng tự nhiên của chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong bệnh rối loạn lưỡng cực và các rối loạn về tâm trạng khác.

2.3 Các nội tiết tố

Mất cân bằng các nội tiết tố có thể tham gia trong việc gây ra rối loạn lưỡng cực.

2.4 Yếu tố di truyền

Bệnh rối loạn lưỡng cực thường gặp ở những người có anh chị em hoặc cha mẹ đã mắc bệnh.

2.5 Yếu tố môi trường

Môi trường sống và làm việc quá căng thẳng hoặc trải qua các đau thương đáng kể có thể đóng vai trò quan trọng gây ra rối loạn lưỡng cực.

Ngoài ra, những người nghiện ma túy và rượu bia cũng có nguy cơ cao bị rối loạn lưỡng cực.

3. Dấu hiệu rối loạn lưỡng cực

Một người bị rối loạn lưỡng cực sẽ có những triệu chứng và biểu hiện như sau:

3.1 Triệu chứng khi hưng cảm

  • Ăn uống nhiều hơn.
  • Không thích ngủ nhiều.
  • Suy nghĩ tích cực và nói nhiều hơn.
  • Hoạt động mạnh để tiêu hóa năng lượng.
  • Giảm khả năng phán xét và thường lúng túng khi quyết định sự việc.
  • Cảm thấy tràn đầy năng lượng và hạnh phúc.
  • Có thể nghe thấy giọng nói lạ hoặc nhìn thấy ảo giác.

3.2 Triệu chứng khi trầm cảm

  • Ăn ít hơn.
  • Cảm thấy uể oải.
  • Cảm thấy tự ti về bản thân.
  • Cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt.
  • Buồn và khóc không rõ lý do.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Suy nghĩ về cái chết hoặc muốn tự tử.

Bệnh nhân rối loạn lưỡng cực có thể gặp triệu chứng của hưng cảmtrầm cảm, kết hợp với giảm hoạt động nặng.

4. Rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không?

Theo tổ chức Y tế thế giới đánh giá, rối loạn lưỡng cực là nguyên nhân gây loạn hoạt năng đứng hàng thứ 6 trên toàn cầu. Những bệnh nhân mắc rối loạn lưỡng cực có nguy cơ tự tử rất cao, ước tính khoảng 25 – 50% số bệnh nhân rối loạn lưỡng cực có ý định tự tử ít nhất một lần trong đời.

Vì thế, bạn cần quan sát cũng như quan tâm đến những biểu hiện bất thường của những người thân trong gia đình. Khi thấy họ có những biểu hiện hưng – trầm cảm thì nên đưa họ đi khám càng sớm càng tốt.

5. Rối loạn lưỡng cực có chữa khỏi được không?

Hiện nay, điều trị dứt điểm rối loạn lưỡng cực là vấn đề nan giải do việc chẩn đoán sai và chậm trễ trong điều trị. Bên cạnh đó, chứng rối loạn lưỡng cực rất dễ tái phát sau điều trị.

roi-loan-luong-cuc-la-gi-nhan-biet-va-dieu-tri-ra-sao-voh-2

Rối loạn lưỡng cực dễ bị chẩn đoán là trầm cảm đơn cực (Nguồn: Internet)

Nghiên cứu cho thấy có đến 69% các trường hợp có chẩn đoán sai và chậm trễ đến 20 năm kể từ khi khởi phát các triệu chứng cho đến khi bắt đầu được điều trị. Đồng thời, thực trạng việc chẩn đoán bệnh rối loạn lưỡng cực hiện chỉ tập trung hoặc dừng lại ở các triệu chứng trầm cảm và thường bỏ sót các triệu chứng hưng cảm. Việc chẩn đoán sai có thể gặp ở cả thầy thuốc và bệnh nhân.

6. Điều trị rối loạn lưỡng cực bằng cách nào?

Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực điều trị bệnh.

Risperidone là thuốc thuộc nhóm chống loạn thần không điển hình, giúp khôi phục lại sự cân bằng của các chất tự nhiên trong não, được sử dụng để điều trị một số rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, tự kỷ,…Đây là thuốc kê đơn, dùng theo chỉ định và theo dõi của bác sĩ, đồng thời người sử dụng có thể gặp những tác dụng phụ không mong muốn. Những tác dụng phụ của thuốc thường gặp là đau đầu, bứt rứt, lo âu, mệt mỏi, khó ngủ, kém tập trung,…

Thuốc chữa rối loạn lưỡng cực thường phải sử dụng trong thời gian dài nên những tác dụng phụ của thuốc có thể khiến người bệnh khó chịu.

7. Lời khuyên cho bệnh nhân rối loạn lưỡng cực

Để khắc phục những triệu chứng của rối loạn lưỡng cực, người bệnh nên chú ý bổ sung thêm omega-3. Đây là một axit béo không no thiết yếu cho cơ thể, có tác dụng tốt cho các cơ quan, trong đó có hệ thần kinh trung ương nên có thể giảm bớt các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải. Cải thiện giấc ngủ, tăng cường hiệu quả trong việc ngăn ngừa trầm cảm và làm giảm các triệu chứng trầm cảm khi mắc chứng rối loạn lưỡng cực,…là điều mà omega-3 mang lại.

roi-loan-luong-cuc-la-gi-nhan-biet-va-dieu-tri-ra-sao-voh-3

Omega-3 có lợi cho bệnh nhân rối loạn lưỡng cực (Nguồn: Internet)

Người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về thuốc bổ sung omega-3 hoặc có thể dung nạp vào cơ thể bằng việc ăn các thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá thu, dầu gan cá tuyết, cá trích, hàu, trứng cá muối, hạt chia, quả óc chó,…