Tăng huyết áp có mấy loại? Biến chứng của tăng huyết áp nguy hiểm thế nào?

VOH - Tăng huyết áp là căn bệnh diễn tiến thầm lặng nhưng vô cùng nguy hiểm. Vậy tăng huyết áp có những loại nào và biến chứng ra sao?

Tăng huyết áp có mấy loại?

BS. Nguyễn Lê My, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn cho biết, tăng huyết áp chia thành 2 loại: tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát 

Tăng huyết áp nguyên phát

Tăng huyết áp nguyên phát gọi là tăng huyết áp vô căn, xảy ra phổ biến ở người trưởng thành và không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Nghiên cứu chỉ ra có mối liên hệ giữa tăng huyết áp và một số nguy cơ gồm:

  • Người cao tuổi: do mạch máu giảm dần độ đàn hồi theo thời gian dẫn đến tăng huyết áp. So với nam giới cùng tuổi, phụ nữ từ 60 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Tiền sử gia đình: yếu tố di truyền làm trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
  • Béo phì, đái tháo đường: ít vận động, chế độ dinh dưỡng kém khoa học.
  • Tiêu thụ quá nhiều muối: muối có tính chất hút nước. Khi thẩm thấu vào thành mạch máu gây co dẫn đến tăng huyết áp.

Tăng huyết áp thứ phát

Tăng huyết áp thứ phát có thể xác định được nguyên nhân cụ thể. Có những nguyên nhân sau dẫn đến tăng huyết áp thứ phát:

  • Rối loạn hormone tuyến thượng thận: bệnh lý suy thận, u thận hoặc tắc mạch ở vùng thận do tác dụng phụ của thuốc giảm đau, thuốc giảm cân… gây tăng huyết áp cường aldosteron nguyên phát do các bệnh lý suy thận, u thận. 
  • Rối loạn chức năng hô hấp: hội chứng ngưng thở khi ngủ, thai phụ mang thai lần đầu, tăng huyết áp thai kỳ.

Tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng gì?

Tăng huyết áp được mệnh danh “kẻ giết người thầm lặng”, bệnh khi không phát hiện kịp thời là yếu tố hàng đầu gây ra nhiều bệnh lý. Theo BS. Nguyễn Lê My, tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Suy tim: khi huyết áp tăng cao, tim sẽ co bóp nhiều hơn để bơm máu. Lâu ngày làm cơ tim dày lên, ít đàn hồi và giãn nở hơn so với tim bình thường, gây suy giảm chức năng tim.
  • Bệnh mạch vành: nhồi máu cơ tim dẫn đến suy giảm chức năng tim và suy tim phân suất tống máu giảm.
  • Bệnh võng mạc do tăng huyết áp: khi huyết áp không ổn định và thường xuyên tăng cao sẽ gây biến chứng các mạch máu nhỏ ở đáy mắt. Trường hợp nặng dẫn tới xuất huyết sau võng mạc, có thể gây mù lòa.
  • Phình và bóc tách động mạch chủ: huyết áp tăng cao gây áp lực lên thành động mạch chủ, dẫn đến phình động mạch.
  • Bệnh động mạch ngoại biên: ảnh hưởng lên huyết áp trên toàn bộ hệ thống mạch máu gây xơ vữa, vôi hóa, hẹp và tắc nghẽn mạch máu.
  • Rối loạn trí nhớ, sa sút trí tuệ: tăng huyết áp làm tăng xơ vữa động mạch dễ đưa đến nhồi máu não im lặng (nhồi máu não lỗ khuyết) và bệnh Alzheimer.
  • Rối loạn cương dương.
  • Đột quỵ: đột quỵ xuất huyết, đột quỵ thiếu máu não.
Tăng huyết áp có thể dẫn đến nhồi máu não
Tăng huyết áp có thể dẫn đến nhồi máu não - Ảnh minh họa: Internet

Làm thế nào để ngăn ngừa biến chứng của tăng huyết áp?

Theo BS. Nguyễn Lê My, để kiểm soát tốt huyết áp và ngăn ngừa biến chứng, người bệnh cần tuân thủ những nguyên tắc sau:

  • Tuân thủ điều trị: dùng thuốc đủ liều đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý đổi liều.
  • Đo huyết áp thường xuyên khi phát hiện cơ thể bất thường: các biểu hiện như khó chịu, đau đầu, hoa mắt,...
  • Rèn luyện thể lực thường xuyên: tham gia các môn thể thao nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, cầu lông, yoga,... Không nên tham gia các môn thể thao mạnh.
  • Dinh dưỡng hợp lý: hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo, ăn nhiều rau củ quả.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Tinh thần sảng khoái.
  • Duy trì khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Lê My
Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn

Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.