Chờ...

Trẻ bị Tay Chân Miệng rồi có mắc lại không?

VOH - Nhiều bậc phụ huynh chủ quan cho rằng, trẻ bị Tay Chân Miệng rồi sẽ không mắc lại. Điều này dẫn đến việc không chủ động phòng ngừa bệnh và dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Tay Chân Miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh này lưu hành quanh năm, bùng phát mạnh nhất vào tháng 2 - 4 và tháng 9 - 12. Nhiều cha mẹ băn khoăn không biết trẻ đã bị Tay Chân Miệng có mắc lại không và làm thế nào để ngăn ngừa tái nhiễm? 

Bác sĩ. CKI. Lê Thị Diệu Thu, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn sẽ giải đáp các thắc mắc trên. 

Trẻ đã bị Tay Chân Miệng có mắc lại không?

Bệnh Tay Chân Miệng do vi rút đường ruột thuộc chủng Enterovirus gây ra. Đây là một chi vi rút phổ biến với nhiều chủng khác nhau, có khả năng lây truyền nhanh. Do đó, trẻ đã bị Tay Chân Miệng có thể tái phát nhiều lần. 

Sau khi nhiễm vi rút Tay Chân Miệng, người bệnh ít nhiều có kháng thể chống lại vi rút. Tuy nhiên, lượng kháng thể không nhiều, không bền vững nên không đủ để bảo vệ trẻ. 

Hơn nữa, trẻ bị Tay Chân Miệng là do một chủng vi rút gây ra, nên cơ thể chỉ có kháng thể chống lại loại vi rút đó. Hoàn toàn không có tình trạng miễn nhiễm chéo giữa các chủng vi rút gây bệnh Tay Chân Miệng. 

Trẻ bị Tay Chân Miệng rồi có mắc lại không? 1
Trẻ có thể mắc bệnh Tay Chân Miệng lần thứ 2, lần thứ 3, thậm chí lần thứ 4 hoặc nhiều hơn - Ảnh: Internet

Làm thế nào để ngăn ngừa tái nhiễm bệnh Tay Chân Miệng?

Để ngăn ngừa tái nhiễm bệnh Tay Chân Miệng ở trẻ, phụ huynh cần lưu ý những điều sau:

  • Hạn chế cho bé tiếp xúc với người bị Tay Chân Miệng.
  • Vệ sinh sạch sẽ tay, chân bé mỗi khi đi học về hoặc tiếp xúc với những mầm bệnh Tay Chân Miệng. 
  • Thực hiện tốt vệ sinh môi trường sống.
  • Giữ gìn sạch đồ chơi của trẻ.
  • Vật dụng cá nhân như bình sữa, ly uống nước, bát đũa, khăn… nên sử dụng riêng biệt cho từng trẻ. 
  • Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. 
  • Trong trường hợp gia đình có nhiều trẻ sống chung, người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bị bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho trẻ; cách ly trẻ lành và trẻ bệnh tùy theo hoàn cảnh gia đình; rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch để hạn chế lây lan khi chăm sóc trẻ lành. 
Trẻ bị Tay Chân Miệng rồi có mắc lại không? 2

Đừng quên theo dõi VOH Khỏe và các bài viết về bệnh tay chân miệng để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.