Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cách nhận biết triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

(VOH) - Rối loạn thần kinh thực vật tuy không gây tử vong nhưng khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh suy giảm, tâm lý thay đổi. Vậy triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật là gì để sớm nhận biết?

Hệ thần kinh thực vật của con người gồm hệ thống thần kinh giao cảm và hệ thống thần kinh phó giao cảm. Cả 2 hệ thống này bình thường sẽ có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Rối loạn thần kinh thực vật là sự mất cân bằng giữa 2 hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm.

cach-nhan-biet-trieu-chung-roi-loan-than-kinh-thuc-vat-voh-1

Rối loạn thần kinh thực vật nhận biết bằng cách nào? (Nguồn: Internet)

1. Nguyên nhân về bệnh rối loạn thần kinh thực vật

Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật. Bệnh có thể là một biến chứng của một số bệnh hay tác dụng phụ của thuốc. Cụ thể, nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật có thể do:

1.1 Nhóm nguyên nhân do bệnh lý

  • Bệnh về nhiễm khuẩn, nhiễm virus như viêm não, viêm màng não
  • Bệnh về thoái hóa thần kinh như teo não, Parkinson, Alzheimer
  • Bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, loét dạ dày…
  • Rối loạn di truyền.
  • Rối loạn tâm sinh lý như các sang chấn tinh thần, thủ dâm quá nhiều ở cả nam và nữ,…

1.2 Nhóm nguyên nhân do căng thẳng, stress

Suy nhược cơ thể kéo dài, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn thần kinh,…có thể dẫn đến rối loạn thần kinh thực vật.

1.3 Nhóm nguyên nhân do thuốc

Tác dụng phụ của một số loại thuốc sử dụng trong điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm, một số thuốc tim mạch,…cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật. 

Trong các nguyên nhân trên thì phần lớn rối loạn thần kinh thực vật là do stress và sự suy nhược cơ thể kéo dài.

2. Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

Khi bị rối loạn thần kinh thực vật, người bệnh sẽ có những triệu chứng sau đây:

2.1 Đánh trống ngực, hồi hộp

Đánh trống ngực và hồi hộp là triệu chứng phổ biến và dễ nhận biết nhất khi bị rối loạn thần kinh thực vật. Nhịp tim thường được điều tiết bởi thần kinh tim trực thuộc hệ thần kinh thực vật và hệ thống điện tim. Khi thần kinh tim bị rối loạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xung động, dẫn truyền tín hiệu điện trong ti và làm rối loạn nhịp tim.

Nhịp tim nhanh bất thường, cảm giác luôn hồi hộp diễn ra liên tục sẽ khiến người bệnh cảm thấy hốt hoảng và sợ hãi.

2.2 Khó thở

Người bị rối loạn thần kinh thực vật sẽ cảm thấy khó thở, hụt hơi và phải rướn người ra để thở hoặc hít thở sâu mới cảm thấy dễ thở hơn. Tình trạng khó thở tăng lên khi người bệnh đến nơi đông đúc, ồn ào.

2.3 Đau ngực

Đau ngực, nóng và rát ở vùng ngực, đau nhói hoặc đau thắt ngực,…có thể là triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật. Cơn đau thường xuất hiện bất ngờ khiến người bệnh cảm thấy như bị nghẹt thở, căng tức vùng ngực.

2.4 Chóng mặt

Cảm giác choáng váng, đứng không vững hoặc muốn ngất xỉu, cơ thể lả đi,…là những triệu chứng có thể gặp ở người bị rối loạn thần kinh thực vật. Triệu chứng này do nhịp tim quá nhanh gây thiếu máu lên não hoặc hạ huyết áp tư thế đột ngột.

2.5 Dễ bị ngất

Các triệu chứng ban đầu là tê cứng và ngứa ran ở vùng xung quanh miệng, sau đó người bệnh cảm thấy lo âu, hốt hoảng, thở gấp và dễ bị ngất. 

2.6 Tay chân run và đổ mồ hôi

cach-nhan-biet-trieu-chung-roi-loan-than-kinh-thuc-vat-voh-2

Tê tay chân - cảnh báo rối loạn thần kinh thực vật (Nguồn: Internet)

Triệu chứng này xuất hiện khi người bệnh bị hốt hoảng và nhịp tim đập nhanh. Kèm theo đó là chân tay run, cơ thể đổ mồ hôi nhiều do hệ thần kinh thực vật bị kích thích quá mức.

2.7 Cơ thể mệt mỏi

Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải và thiếu sức sống. 

2.8 Mất ngủ

Vì luôn lo lắng, bồn chồn vô cớ nên người bệnh thường trằn trọc, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.

2.9 Các triệu chứng khác

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp triệu chứng rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da khô bong tróc, giảm ham muốn tình dục,…

Thông thường, ở giai đoạn đầu, người bị rối loạn thần kinh thực vật có thể chỉ cảm thấy bất an, khó chịu. Tuy nhiên, khi bệnh nặng, người bệnh sẽ luôn trong trạng thái hoang mang, sợ hãi và dễ rơi vào tình trạng trầm cảm. 

3. Rối loạn thần kinh thực vật có nguy hiểm không?

Rối loạn thần kinh thực vật không phải là một loại bệnh cụ thể mà chỉ là những rối loạn hoạt động thần kinh tự động. Rối loạn thần kinh thực vật không gây tử vong nhưng làm giảm hoạt động hoặc ảnh hưởng đến chức năng tự động của cơ thể như nhịp tim, huyết áp, mồ hôi, tiêu hóa,…

Tùy vào nguyên nhân và mức độ rối loạn, rối loạn thần kinh thực vật có thể tự khỏi hoặc chỉ cần điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, rối loạn thần kinh thực vật có thể là biểu hiện của các bệnh lý sâu xa nào đó. Do vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ rối loạn thần kinh thực vật bạn nên đi khám để được hỗ trợ điều trị.

Lời khuyên

Để phòng ngừa rối loạn thần kinh thực vật, bạn không nên quá căng thẳng, học cách thư giãn và kiểm soát stress mỗi ngày. Ngoài ra, tập hít thở sâu và xoa vùng trên rốn hàng ngày sẽ có tác dụng hiệu quả trong việc phòng và điều trị rối loạn thần kinh thực vật. Hãy suy nghĩ tích cực, lạc quan, duy trì chế độ tập luyện thể dục, thể thao để phòng ngừa rối loạn thần kinh thực vật.

Bình luận