1. Viêm tiểu khung là bệnh gì?
Vùng tiểu khung là khu vực nội mạc tử cung, hai bên vòi trứng và buồng trứng. Khi vùng tiểu khung bị đau (ở khu vực dưới rốn) thì đó có thể là vô hại nhưng cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau như viêm ruột thừa, hội chứng ruột kích thích, cơn đau bụng kinh, lạc nội mạc tử cung, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, hội chứng sung huyết và đặc biệt là có cả tình trạng viêm vùng tiểu khung.
Viêm tiểu khung là viêm phần trên của đường sinh sản bao gồm các cấu trúc nằm trong tiểu khung như tử cung, 2 buồng trứng, vòi trứng. Viêm vòi trứng là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh.
Hầu hết các trường hợp viêm tiểu khung là do lậu cầu khuẩn, vi khuẩn chlamydia và vi khuẩn kỵ khí gây ra. Ở những phụ nữ có quan hệ tình dục với hơn một bạn tình, khả năng bị viêm tiểu khung có thể tăng lên gấp 5 lần.
Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình làm tăng khả năng bị viêm tiểu khung gấp 5 lần (Nguồn: Internet)
Nếu đặt dụng cụ tử cung thì nguy cơ này cũng sẽ tăng lên nhiều lần, vì sợ dây gắn với dụng cụ tử cung nằm lơ lửng trong âm đạo chính là con đường để vi khuẩn xâm nhập lên trên.
Ngoài ra, những yếu tố khác làm tăng khả năng bị viêm tiểu khung bao gồm: sử dụng chất thụt rửa âm đạo, có thói quen hút thuốc lá,... Đặc biệt, những phụ nữ có đáp ứng quá mạnh với nhiễm khuẩn cũng có thể khiến bệnh viêm tiểu khung phát sinh.
2. Biểu hiện bệnh viêm tiểu khung
Triệu chứng lâm sàng phổ biến nhất của bệnh viêm tiểu khung là :
- Bị đau bụng dưới.
- Rét run và sốt, kèm theo đó là mệt mỏi, có thể bị tiêu chảy.
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Đau khi có “quan hệ vợ chồng”.
- Ra khí hư có mủ ở cổ tử cung.
- Đau căng cổ tử cung và phần phụ.
Tuy nhiên, các triệu chứng trên thực tế của những người phụ nữ bị viêm tiểu khung thường không rõ ràng hoặc rất nhẹ, khiến các chị em không thể nhận ra được bệnh dẫn đến điều trị chậm trễ.
3. Viêm tiểu khung gây ra những biến chứng gì?
Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm tiểu khung chính là có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng mang thai của người phụ nữ.
Có khoảng 12% bệnh nhân viêm tiểu khung bị vô sinh vĩnh viễn dù đã được điều trị. Tỷ lệ này là 25% ở những người bị tái nhiễm lần 2 và hơn 50% ở người tái nhiễm lần 3. Phụ nữ bị hiếm muộn do viêm tiểu khung tỷ lệ thuận với số đợt bị viêm tiểu khung, nghĩa là càng bị nhiều đợt viêm tiểu khung thì sẽ càng dễ bị hiếm muộn.
Mối liên quan giữa bệnh viêm tiểu khung và những biến chứng vô sinh - hiếm muộn đã được thừa nhận qua nhiều nghiên cứu. Bệnh gây ra vô sinh ở nữ giới do tiến trình sẹo hóa diễn ra trong quá trình điều trị các bệnh lây qua đường tình dục. Cuối cùng, tiến trình làm lành sẹo có thể làm tắc một hay thậm chí là cả 2 bên vòi trứng.
Viêm tiểu khung có thể làm tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn ở phụ nữ (Nguồn: Internet)
Không chỉ làm tăng nguy cơ vô sinh ở phụ nữ mà với những phụ nữ đang mang thai sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ thai ngoài tử cung, vì vòi trứng có sẹo dính, khiến cho trứng đã thụ tinh khó di chuyển vào tử cung để làm tổ, hậu quả là trứng mắc kẹt ở vòi trứng và hợp tử sẽ lớn lên tại đây.
Bên cạnh đó, biến chứng của viêm tiểu khung còn có xu hướng tồi tệ hơn đối với những phụ nữ có tuổi, thường xuyên hút thuốc lá và phụ nữ mang dụng cụ tử cung (tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và tái nhiễm khuẩn).
4. Phòng ngừa và điều trị bệnh viêm tiểu khung như thế nào?
Để điều trị bệnh viêm tiểu khung, chị em phụ nữ cần phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám, cần dùng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ. Hiện nay có nhiều loại kháng sinh dùng trong phác đồ điều trị căn bệnh này. Trong trường hợp dùng thuốc không có tiến triển tốt thì bác sĩ có thể sẽ tư vấn đến việc can thiệp bằng phẫu thuật.
Ngoài ra, do bệnh viêm tiểu khung là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiếm muộn vô sinh ở phụ nữ, nên chị em cần phải đặc biệt chú ý trong việc phòng ngừa bệnh, nhất là tránh tái nhiễm.
Cách phòng bệnh chủ yếu là giáo dục, hướng dẫn thực hành tình dục an toàn, vệ sinh vùng kín đúng cách (không thụt rửa), dùng bao cao su bảo vệ, tiến hành tầm soát bệnh. Đồng thời, chị em nên thường xuyên thăm khám phụ khoa để kiểm tra cũng như điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (nếu có).