Với quán karaoke và vũ trường, từ năm 2015 Bộ Công an ban hành thông tư riêng và sửa đổi năm 2020 như một tiêu chuẩn riêng về PCCC cho karaoke và vũ trường.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, trong thông tư quy định rất cụ thể về khoảng cách an toàn của cơ sở karaoke đối với công trình lân cận, quy định về chịu lực của nhà và kết cấu chịu lực, quy định tường vách ngăn cháy, quy định về chống cháy lan, quy định về lối thoát nạn, ít nhất phải có 2 lối thoát nạn, quy định về hệ thống âm thanh, quy định về vật tư trang trí, nội thất, quy định về biển quảng cáo không được che khuất toàn bộ mặt tiền để chặn các lối thoát hiểm…
Về cơ chế kiểm soát PCCC, theo quy định hiện nay có 3 bước: Khi cấp phép xây dựng, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa để kinh doanh karaoke, vũ trường thì khi cấp phép xây dựng đối tượng này phải chịu thẩm duyệt về thiết kế PCCC và phải được kiểm tra, nghiệm thu; khi cấp phép hoạt động cho thuê vũ trường do cơ quan quản lý văn hoá cấp phải có giấy chứng nhận bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cháy nổ; hằng năm, định kỳ, cơ quan PCCC kiểm tra.
Xem thêm: TPHCM ra mắt mô hình phòng cháy chữa cháy trong khu dân cư
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nêu ra 3 nguyên nhân chính khiến cho các quán karaoke, vũ trường… dễ xảy ra cháy.
Thứ nhất, phần lớn hiện nay, các cơ sở karaoke và vũ trường, đặc biệt là karaoke chủ yếu chuyển đổi từ nhà ở sang cơ sở kinh doanh nên nhiều cơ sở không đạt tiêu chuẩn an toàn về phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là quy định về hai lối thoát nạn - rất khó thực hiện với nhà ở riêng lẻ.
Thứ hai, đa số các cơ sở kinh doanh không thực hiện quy định về vật liệu, trang âm đảm bảo không cháy; khoảng cách giữa quán karaoke với nhà bên cạnh hoặc với nhà dân xen kẹt ở giữa, nhà liền nhau chưa có tường ngăn cháy. Các công trình nằm trong khu dân cư ở ngõ, hẻm, kẹt... gây khó khăn cho phòng cháy, chữa cháy.
Đặc biệt, thứ ba đó là, khi xin cấp phép xây dựng, người dân chỉ xin cấp phép xây nhà ở riêng lẻ chứ không xin cấp phép kinh doanh karaoke. Nhưng sau đó họ lại cải tạo, sửa sang xây dựng để kinh doanh karaoke không xin phép.
Kèm theo đó là ý thức của chủ sở hữu, vận hành không có các kỹ năng hướng dẫn, nhân viên không có các kỹ năng về chống cháy nổ, thoát hiểm… nên khi xảy ra sự cố thì rất khó xử lý.
Dù quy định chặt chẽ, các sự cố về cháy nổ, đặc biệt đối với kinh doanh karaoke, vũ trường vẫn đang xảy ra.
Vì vậy, ông cho rằng phải kiểm soát chặt các hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn cũng như các quy định về kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà ở chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh; biên soạn các quy chuẩn, hướng dẫn, quy định để thực hiện. Đối với những đối tượng tồn tại trước năm 2000, chúng ta phải có những nghiên cứu để quy định cho linh hoạt, khả thi.
Hơn 45% vụ cháy do chập điện Báo cáo của Bộ Công an cho biết, trong 5 năm (từ 2017 - 2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính 7.043 tỉ đồng và 7.548 ha rừng. Ngoài ra, xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người, thiệt hại về tài sản 1,14 tỉ đồng. Phân tích tình hình cháy: về địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị (chiếm 60,37%). Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh (chiếm hơn 45% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm hơn 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, chiếm trên 45% tổng số vụ. |