Bệnh nhân lao trẻ lại - cán bộ chống lao đang già đi

(VOH) - Việt Nam hiện xếp thứ 12/22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới, xếp thứ 14/27 nước có đang chịu gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu. Mỗi năm, cả nước có khoảng 200.000 người mắc và gần 30.000 người chết do bệnh lao. Số đông bệnh nhân khác do không có điều kiện đi khám và điều trị trở thành mối lo, nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong tổng số 9 triệu người mắc lao mỗi năm, thì có đến 3 triệu bệnh nhân đã không được tiếp cận với các dịch vụ điều trị cần thiết. Ở nước ta cũng vậy, bệnh nhân lao chỉ tìm đến các dịch vụ y tế khi bệnh đã quá nặng. Hơn nữa, những người nhiễm lao đa số là những người lao động tay chân. Như trường hợp của hai vợ chồng bà Trần Thị Thơm ở Hóc Môn, lớn tuổi, chồng mắc bệnh lao nhưng không được khám chữa bệnh kịp thời nên lây luôn cho vợ, vì nghèo nên đành phó mặc cho số phận.


Tương tự, anh Nguyễn Văn Tân, quê ở Bạc Liêu đang điều trị ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, mặc dù mới 36 tuổi nhưng trông anh già rất nhiều so với tuổi của mình. Với 2 ống oxy gắn vào bên hông sườn, anh buồn bã kể: Từ ngày anh mắc bệnh không còn sức lao động, vợ bỏ đi để lại cho anh đứa con trai mới 4 tuổi. Tiền bạc không có, được mọi người thương gom góp tiền cho anh vào đây chữa bệnh:


Một trong những lý do khiến chương trình chống lao chưa đạt được hiệu quả như mong muốn trong thời gian qua là thiếu nhiều cán bộ ở các tuyến, kinh phí đầu tư chưa đầy đủ, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, phương tiện trang bị còn nghèo nàn lạc hậu và chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ.

Bên cạnh đó là một loạt khó khăn từ sự thiếu hợp tác từ phía người bệnh. Hiện tỉ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc được điều trị và quản lý chưa cao. Trong khi đó những bệnh nhân mang mầm bệnh lao, thậm chí mắc siêu kháng thuốc vẫn cư trú tại cộng đồng, là nguyên nhân khiến nguồn bệnh lây lan. Bác sĩ Nguyễn Văn Thơm, Trưởng khoa Lao Bệnh viện Quận 8 cho hay:


Bên cạnh đó là tình trạng bán thuốc chống lao không theo toa, không kiểm soát được việc điều trị lao của cơ sở y tế tư nhân, sự phối hợp y tế công tư còn nhiều trở ngại vì có một số lượng lớn bệnh nhân lao tìm kiếm dịch vụ khám ban đầu tại các cơ sở y tế tư nhân và các bệnh viện ngoài hệ thống chống lao nhưng không được báo cáo...

Với một loạt khó khăn vừa nêu liệu đến năm 2030, Việt Nam có thể thanh toán được bệnh lao như mục tiêu đề ra hay không, đó còn là câu hỏi lớn. Bác sĩ Trần Thị Kim Dung - Trưởng khoa Lao Trung tâm y tế dự phòng Quận Thủ Đức nhìn nhận:


Một thực tế đáng báo động khác là hiện nay nguồn nhân lực kế thừa cho chương trình phòng chống lao hầu như trống vắng. Trong khi, bệnh nhân đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa thì các cán bộ trong phòng chống lao lại đang già đi nhanh chóng. Đã vậy, nay còn phải đối mặt với nguy cơ “chảy máu chất xám”, bởi nhiều cán bộ có trình độ chuyển sang y tế tư nhân hoặc bổ sung cho các đơn vị y tế khác. Đề cập đến vấn đề này bác sĩ Nguyễn Huy Dũng - Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao TP.HCM giãi bày:


Để công tác chống lao đạt hiệu quả cần có sự quan tâm của toàn xã hội và phải được xem là một trong những ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phát hiện và quản lý ca bệnh hiệu quả và nhân rộng công nghệ phát hiện nhanh thể lao và lao đa kháng thuốc trong vòng 90 phút tại nhiều cơ sở khám và điều trị lao. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể hy vọng thanh toán được bệnh này vào năm 2030.