Chiều 16/10, tại Hội trường Thống Nhất TPHCM, Chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo” lần 8 khép lại với ngôi vị quán quân thuộc về dự án “Các Sản phẩm Ống hút, bún gạo” của chị Trương Thị Hồng Hà (thuộc TPHCM), dự án nhận Cúp và giải thưởng trị giá 125 triệu đồng.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành thực phẩm, bên cạnh đó là công nghệ sản xuất sẵn có từ gia đình, vợ chồng thí sinh Trương Thị Hồng Hà nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm ống hút gạo mang thương hiệu OHUGA. Nguyên liệu sản xuất hoàn toàn từ tự nhiên, an toàn cho sức khoẻ con người, thân thiện với môi trường và tự phân hủy nhanh sau khi sử dụng. Với thành phần chính được làm từ tinh bột gạo, màu tự nhiên từ các loại rau củ quả như: củ dền, rau ngót, gấc, hạt dành dành, cà rốt, hoa đậu biếc… ống hút gạo OHUGA trở nên sống động với nhiều màu sắc, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Không dừng lại ở ống hút gạo, vợ chồng chị Hà còn nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, kết hợp cả với bí quyết gia truyền để tạo ra thêm nhiều sản phẩm khác như nui, bánh tráng, bún gạo sợi thẳng, phở khô sợi thẳng, phở ăn liền, que khuấy cà phê gạo… Sản phẩm được sản xuất từ hạt gạo ngon, không sử dụng chất bảo quản, dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22000, HACCP và FDA của Mỹ. Giải nhất Trương Thị Hồng Hà hạnh phúc cho biết: "Khi mình nhận được giải nhất này, cảm xúc của mình dâng trào lên, và mình nghĩ các bạn hãy tham gia chương trình khởi nghiệp xanh này, mình sẽ có kinh nghiệm hơn từ ban giám khảo góp ý rất chân thật để sản phẩm của mình càng tốt, càng hoàn thiện hơn nữa. Sau cuộc thi này mình cám ơn ban giám khảo đã góp ý cho mình từ sản phẩm của mình cho đến cái bao bì của mình, mình sẽ thay đổi theo hướng sản phẩm sạch, để đưa về thị trường Việt Nam cho người Việt Nam mình sử dụng hàng sạch và giá rẻ hơn".
Còn 2 giải nhì trị giá 65 triệu đồng mỗi giải thuộc về các dự án “Sản xuất Dược Trà – Khai thác giá trị dược liệu từ nông sản” của Đoàn Thị Hồng Thắm - Cần Thơ và “Vòng đời các sản phẩm từ cây Sen” của nhóm Lương Việt Chương - Phú Yên. Ngoài ra ban tổ chức còn trao 3 giải ba, 3 giải khuyến khích, 1 giải thưởng mang ý nghĩa cộng đồng, 3 giải làm tiêu chuẩn Local gap, 3 giải tư vấn xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mai, và 8 dự án được chọn tham gia khóa tập huấn tại Thái Lan vào tháng 11/2022. Giải nhì Đoàn Thị Hồng Thắm đến từ Cần Thơ cho biết: "Đầu tiên cảm giác rất xúc động, cuộc thi rất chuyên nghiệp và có nhiều dự án lớn, được giải nhì đó là điều mình cảm thấy may mắn. Mình học hỏi được từ cuộc thi này rất nhiều và cám ơn rất nhiều ban tổ chức. Ban giám khảo đã góp ý được cho mình những lỗ hỏng trong dự án để mình có thể về khắc phục liền được, thứ hai từ các bạn, dự án các bạn có những phương pháp marketing sản phẩm rất là tốt và mình phải học hỏi".
Đại diện ban giám khảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, qua quá trình làm việc trong 2 ngày qua, cảm nhận chung của các thành viên ban giám khảo thấy rằng các dự án có sự chênh lệch nhau thể hiện qua giải thưởng. Chung kết có 28 dự án trải khắp cả nước từ Bắc – Trung – Nam, có tính đại diện rất cao trong phong trào khởi nghiệp. Có đến 16 dự án do các bạn nữ trình bày, đây là điều thể hiện sự tự tin phát triển của phụ nữ ngày nay. Ban giám khảo có 5 điều ấn tượng: "Thứ nhất chúng tôi đều thấy rất rõ sự khát khao khởi nghiệp, khát khao khởi sự kinh doanh của các bạn, tinh thần khởi nghiệp, tình thần khởi sự kinh doanh rất mạnh, rất cao. Thứ hai ý tưởng khởi nghiệp của các bạn lần này cũng thể hiện rất phong phú, nhiều ý tưởng khác nhau xoay quanh nông nghiệp, nông sản, nhưng ý tưởng của các bạn khá khác nhau, khá đa dạng trong lĩnh vực nông nghiệp. Thứ ba sự quan tâm đến tài nguyên bản địa, đến bản sắc địa phương. Điểm thứ tư chúng tôi thấy hầu hết các dự án đều thể hiện tinh thần quan tâm đến cộng đồng, đến xã hội, lợi ích xã hội và môi trường rất tốt. Và điều thứ năm chúng tôi đánh giá sự chuẩn bị của các dự án, nói chung hầu hết các dự án đều được chuẩn bị khá tốt".
Cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” lần 8 năm 2022 được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các dự án khởi nghiệp phát triển sản phẩm từ tài nguyên bản địa, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Và hỗ trợ nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn, tự xây dựng và thực hành các tiêu chuẩn cần thiết và phù hợp để đảm bảo kinh doanh tốt, phát triển bền vững.