Cần hợp tác và kết nối để đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp

(VOH) - Sáng 27/9, tại TPHCM, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch phối hợp các đơn vị liên quan và Lãnh sự quán Úc tổ chức buổi hội thảo "Ứng dụng đổi mới sáng tạo cho khối tư nhân trong nông nghiệp".

Tại hội thảo, ông Shaun Fitgerald, Tham tán Lãnh sự kinh tế và chính trị - Lãnh sự quán Úc tại TPHCM giới thiệu tổng quan chương trình, vai trò hợp tác thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và mục đích thử nghiệm các mô hình hợp tác khác nhau để hỗ trợ năng lực đổi mới sáng tạo.

Các đại biểu đã thảo luận về một số thách thức, cơ hội và đề xuất những nghiên cứu hỗ trợ để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội của ngành tôm và cá tra trong 5 năm tới. Cụ thể là vấn đề quản lý và chất lượng con giống, môi trường nguồn nước, sử dụng hóa chất kháng sinh, liên kết chuỗi... trong đó việc đổi mới, sáng tạo đóng vai trò quan trọng,

Hội thảo Ứng dụng đổi mới sáng tạo cho khối tư nhân trong nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch cho rằng: "Nguồn lực và nguồn trí tuệ sáng tạo không ngừng nghỉ của khối tư nhân đã xây dựng nên một ngành công nghiệp thủy sản không thua kém thế giới ngày hôm nay. Tuy nhiên, trước sự đổi mới công nghệ của nhiều nước, chúng ta vẫn thiếu những sáng tạo giải quyết trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ với sự tham gia nghiêm túc của giới khoa học.

Sự phát triển mới đang đặt ra nhiều vấn đề, làm sao để có những kết quả nghiên cứu với hàm lượng khoa học công nghệ cao hơn nếu chúng ta có một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoạt động hiệu quả. Bây gờ chúng ta thấy sự tiến bộ của kỹ thật số như 5G, trí tuệ nhân tạo, blockchain. Thế giới dự báo sẽ có sự thay đổi căn bản nền tảng của nhiều ngành sản xuất cũng sẽ là một thánh thức lớn đối với thủy sản Việt Nam trong cạnh tranh".

Chương trình quan hệ đối tác về đổi mới sáng tạo Úc - Việt Nam, gọi tắt Aus4Innovation, có ngân sách 11 triệu đô la Mỹ do phía Úc tài trợ. Các cơ quan phía Việt Nam được hưởng lợi với 4 hợp phần gồm dự báo tương lai kinh tế số, quan hệ đối tác về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, cơ chế tài trợ cạnh tranh và trao đổi chính sách về đổi mới sáng tạo.

Quản lý Chương trình kết nối đổi mới sáng tạo là Cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ nghệ quốc gia Úc.

Cơ quan này sử dụng khoa học và nghiên cứu ứng dụng để giải quyết các vấn đề và tạo nên lợi ích cho nền kinh tế, xã hội và môi trường, có các cơ sở hạ tầng nghiên cứu quan trọng, hợp tác với các ngành kỹ nghệ, chính phủ, các trường đại học tại Úc và trên thế giới.

Trong chiến lược đến năm 2020, cơ quan này sẽ cải tiến hiệu quả sáng tạo của Úc, liên kết với các đơn vị, cá nhân khác để thương mại hóa các ý tưởng. Một số sáng tạo hàng đầu của cơ quan này như mạng LAN tạo WiFi, tiền polymer, điều trị cúm Relenza, chế độ ăn hòan tòan lành mạnh, vaccin để phòng virus Hendra, chất tẩy rửa nhẹ, sợi tự xoắn, kính áp tròng qua đêm, ngũ cốc giàu chất xơ, thức ăn tôm...

Các lĩnh vực tập trung như nông nghiệp và thực phẩm, đất và nước, công nghệ chế tạo, dữ liệu và kỹ thuật số, năng lượng, sức khỏe và an toàn sinh học...

Một ví dụ hiệu quả là Chương trình kết nối đổi mới sáng tạo của Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Sáng tạo, Chính phủ Úc, từ tháng 9/2014 đến nay có gần 1.400 doanh nghiệp Úc hoàn thành sử dụng các dịch vụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp này đạt được doanh thu bình quân 3,6 triệu đô la Úc và 73% có doanh thu dưới 10 triệu đô la Úc.

Bình luận