Đăng nhập

Cần thiết đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào đào tạo lái xe!

(VOH) - Nhiều người cho rằng cần thiết đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo, tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ...

Mới đây, tại cuộc họp về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an đề xuất Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo.

Đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào đào tạo lái xe: Cần nghiêm túc tiếp thu để nghiên cứu 1Xem toàn màn hình
Ảnh minh hoạ: TTO

Thông tin này nhanh chóng được báo chí đăng tải với nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng cần thiết đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo, tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ đề xuất này để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và điều kiện học viên cũng như các trung tâm đào tạo.

Cao tốc Việt Nam đang phổ biến, chương trình sát hạch lái xe mà đưa thực hành trên cao tốc là xu hướng phát triển đương nhiên. Hiện học viên học lý thuyết trên cao tốc chỉ nghe 1 chiều, muốn trải nghiệm cụ thể, hiểu rõ tốc độ thì phải trải nghiệm thực tế”, một người dân chia sẻ.

Một tài xế cho biết: “Các trường dạy lái xe kiến nghị Bộ GT-VT kiếm quỹ đất làm riêng đường để cho học viên chạy thử vận tốc 80-100km như cao tốc. Học viên chưa có kinh nghiệm mà đưa hẳn lên cao tốc thì chỉ có cản trở giao thông, học viên cần nghe tiếng gió, tiếng xe của container, xe giường nằm chạy vận tốc 100km/h trên cao tốc là ‘hết hồn’ liền”.

Ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam nêu ý kiến: “Nếu như quy định cứng phải học trên đường cao tốc thì sẽ rất bất cập. Nhiều địa phương hiện nay khi tiếp cận đường cao tốc sẽ phải đi rất xa. Thứ 2 cho phương tiện tập lái trên cao tốc sẽ cản trở phương tiện khác. Cho nên quy định cứng phải tập lái trên đường cao tốc phải nghiên cứu kỹ lưỡng”.

Với sự phát triển của cao tốc hiện tại và tương lai, ông Ngô Đình Quang -Trưởng phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX, Sở GTVT TPHCM cho biết nội dung này là cần thiết nhưng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng khi đưa vào thực hành. “Cao tốc có những quy định khó, người mới học lái làm sao dạy trên cao tốc. Quy định phải chạy tốc độ tối thiểu 60km/h, vấn đề dừng, liên quan đến nhiều quy định nên phải nghiên cứu thật kỹ.

Thực tế hiện nay, giáo trình đào tạo lái xe đã có một chương hướng dẫn người học lái xe điều khiển ô tô trên đường cao tốc. Trong đó, hướng dẫn chi tiết việc điều khiển xe đi vào đường cao tốc, ra khỏi đường cao tốc, phương án xử lý chuyển làn xe, nhường đường cho xe vượt và phương án vượt xe, dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc. Tuy nhiên, việc bổ sung quy định bắt buộc học thực hành lái xe trên đường cao tốc là nội dung mới cần nghiêm túc tiếp thu để nghiên cứu”, ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái - Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

 “Nếu quy định bắt buộc thì rất khó khăn cho các địa phương”

Liên quan đến các thay đổi bổ sung nội dung học và sát hạch cấp GPLX thời gian gần đây, phóng viên VOH có trao đổi cùng ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái - Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

ng Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam)
Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam)

*VOH: Tại cuộc họp ATGT mới đây, Cục CSGT đề xuất đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo . Xin ông cho biết ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Lương Duyên Thống: Việc bổ sung quy định bắt buộc học thực hành lái xe trên đường cao tốc là nội dung mới mà Tổng cục đường bộ tiếp thu, nghiên cứu, báo cáo Bộ GT-VT xem xét quyết định. Tuy nhiên khi có yêu cầu bắt buộc người học lái xe phải tập lái trên cao tốc thì cần xem xét các vấn đề sau. Thứ 1 là vấn đề đảm bảo an toàn giao thông cho chính người học lái xe, giáo viên dạy lái xe, người và phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc, vì trên cao tốc quy định chạy tốc độ cao. Thứ 2 là hệ thống cao tốc đang phát triển rất nhanh, tuy nhiên một số địa phương vẫn chưa có cao tốc. Nếu quy định bắt buộc thì rất khó khăn cho các địa phương đó.

Hiện nay, giáo trình đào tạo lái xe đã có 01 chương hướng dẫn người học lái xe điều khiển ô tô trên đường cao tốc. Trong đó, hướng dẫn chi tiết việc điều khiển xe đi vào đường cao tốc, ra khỏi đường cao tốc, phương án xử lý chuyển làn xe, nhường đường cho xe vượt và phương án vượt xe, dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc…

Thực hiện Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ, Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 08/10/2019, Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 26/4/2022 của Bộ Giao thông vận tải, từ ngày 01/6/2022 học viên học lái xe đã được học và tham dự nội dung sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; thời gian tới, từ ngày 01/01/2023 học viên học lái xe sẽ được học trên thiết bị mô phỏng đào tạo lái xe - ca bin tập lái xe. Trên phần mềm mô phỏng và ca bin tập lái xe ô tô, học viên sẽ được làm quen, nhận biết các tình huống gây mất an toàn giao thông trên đường cao tốc, được học lái xe trong các điều kiện địa hình, thời tiết khác nhau như lái xe trên đường băng tuyết, đường cao tốc, đường đồi núi, đường trơn trượt ...

*VOH: Chúng ta hướng đến việc mở rộng đào tạo bằng cabin học lái. Ông có thể nói rõ thêm thông tin về lộ trình thực hiện ra sao?

Ông Lương Duyên Thống: Cabin tập lái xe ô tô được sản xuất, nhập khẩu và chứng nhận hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số đăng ký: QCVN 106:2020/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư số 37/2020/TT-BGTVT ngày 28/12/2020 của Bộ Giao thông vận tải. Theo quy định tại Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ, Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 26/4/2022 của Bộ Giao thông vận tải, các cơ sở đào tạo phải trang bị ca bin học lái xe ô tô trước ngày 31/12/2022 để người học làm quen với việc học lái xe trên các loại địa hình và điều kiện thời tiết khác nhau như lái xe khi trời mưa, lái xe vào ban đêm, lái xe trên đường băng tuyết, đường cao tốc, đường đồi núi, đường trơn trượt ...

*VOH: Vậy khi tập lái trong cabin, có bỏ học thực hành không thưa ông?

Ông Lương Duyên Thống: Trên cabin tập lái này chỉ học 1 số giờ theo quy định của Bộ, còn người lái vẫn học, vẫn tập lái xe trên sân tập lái và đường giao thông công cộng.

*VOH: Như ông có nhắc từ đầu tháng 6 năm nay, học viên học lái xe đã được học và tham dự nội dung sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, TPHCM là địa phương đầu tiên thực hiện. Đến nay, chúng ta có đánh giá cụ thể gì về mô hình mới này?

Ông Lương Duyên Thống: Đây là nội dung học và nội dung sát hạch được quy định tại Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ, Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 08/10/2019 của Bộ Giao thông vận tải.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ thông tin xây dựng 120 kịch bản các tình huống giao thông mô phỏng các tình huống gây mất an toàn giao thông xảy ra trong thực tế (mô phỏng lại các tình huống tai nạn giao thông gây hậu quả nghiệm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) để người học nghiên cứu, nhận biết, phán đoán và đưa ra phương án xử lý để đảm bảo lái xe an toàn, phần mềm đã chuyển giao cho các cơ sở đào tạo từ ngày 08/12/2021 và bổ sung vào nội dung sát hạch từ ngày 01/6/2022.

Qua thống kê các Sở GTVT trong thời gian đầu tổ chức triển khai nội dung sát hạch này, có 06% kỳ sát hạch đạt tỷ lệ dưới 50%, 26% kỳ sát hạch đạt tỷ lệ từ 50% đến 60%, 10% kỳ sát hạch đạt tỷ lệ từ 60% đến 70%, 52% kỳ sát hạch đạt tỷ lệ từ 70% đến 80%, 06% kỳ sát hạch đạt tỷ lệ trên 80%.

*VOH: Trước nhiều cải tiến, bổ sung về chương trình đào tạo, sát hạch lái xe, nhiều ý kiến cho rằng việc có GPLX ngày một khó, ông nghĩ như thế nào?

Ông Lương Duyên Thống: Việc bổ sung nội dung học và sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, học lái xe trên ca bin tập lái xe ô tô, sử dụng thiết bị để giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường, nhưng không tăng thời gian đào tạo lái xe (thời gian học lái xe trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông sẽ lấy trong thời gian học môn lý thuyết kỹ thuật lái xe, thời gian học lái xe trên ca bin tập lái xe ô tô sẽ lấy trong thời gian học thực hành lái xe) sẽ ít ảnh hưởng đến quá trình học lái xe của học viên. Tuy nhiên, người học phải học bổ sung thêm các nội dung mới, phải học đủ thời gian và số Km học thực hành lái xe trên đường mới được tham dự các kỳ sát hạch để cấp giấy phép lái xe.

*VOH: Vậy với những nâng cao, cải tiến về công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX, về phía Tổng cục đặt ra mục tiêu quan trọng nào để có được chất lượng đội ngũ lái xe?

Ông Lương Duyên Thống: Việc bổ sung nội dung học, sát hạch nhằm trang bị cho người học đầy đủ các kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, kỹ năng điều khiển phương tiện, kỹ năng phán đoán, xử lý tình huống và phòng chống rủi ro khi lái xe tham gia giao thông đường bộ.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát quá trình đào tạo và sát hạch nhằm giám sát người học ở tất cả các cơ sở đào tạo lái xe phải được học đầy đủ kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, thời gian và số kilomet học thực hành lái xe trên đường, thời gian học lái xe trên ca bin học lái xe ô tô; công khai toàn bộ quá trình đào tạo và sát hạch để người học, cơ quan quản lý và các cơ quan đơn vị có liên quan tham gia giám sát trực tiếp thông qua hệ thống giám sát quá trình đào tạo và hệ thống camera lắp đặt tại phòng sát hạch lý thuyết và trên sân sát hạch được truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Mục tiêu trong thời gian tới là tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, giảm thiểu tai nạn giao thông ở cả 03 tiêu chí theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.

*VOH: Xin cảm ơn ông.

Bình luận