Chặn 2.245 website lừa đảo trong 8 tháng

VOH - Trong 8 tháng qua, cơ quan quản lý đã ngăn chặn 2.245 website lừa đảo; yêu cầu các mạng xã hội TikTok, YouTube gỡ bỏ hàng trăm tài khoản đăng nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và nghị quyết chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Trong các vấn đề được báo cáo đề cập, có nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng.

Tính đến hết tháng 8, cơ quan quản lý đã ngăn chặn 7.428 web/blog vi phạm, trong đó có 2.245 website lừa đảo; bảo vệ 9,6 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo.

Xem thêm: Đề phòng lừa đảo 'hướng dẫn kích hoạt tài khoản VNeID'

Giai đoạn 2020 - 2023, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ghi nhận và cảnh báo, hướng dẫn xử lý 40.629 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.

Riêng năm 2022, cơ quan chức năng đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý 76 website chuyên phát tán, cài cắm mã độc vào máy tính, điện thoại và thiết bị di động của người dân thông qua các phần mềm bẻ khóa. 

lừa đảo
Nhiều người dùng bị mất tiền oan vì dính bẫy của những trang web lừa đảo.

Về việc quản lý các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội, cơ quan quản lý đã yêu cầu các mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới phải xác thực người dùng và cung cấp thông tin xác thực người dùng cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google, YouTube, TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm, gỡ bỏ các hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em.

Các nền tảng này đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, ngăn chặn các kênh YouTube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam…

Riêng từ tháng 1 đến tháng 6, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.265 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức.

Nền tảng này cũng gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức và khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước; gỡ 30 page quảng cáo, mua bán hóa đơn.

Google đã gỡ 4.910 video vi phạm trên YouTube; chặn 2 kênh YouTube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (Kênh nóng TV và Chính sự TV).

TikTok đã chặn, gỡ bỏ 397 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, trong đó, có 139 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.

Cổng www.tingia.gov.vn tiếp nhận hơn 5.700 phản ánh, trong đó có 1.642 tin có thể kiểm chứng; 880 tin phản ánh về tin xấu độc; 962 tin báo tin sai, tin không đúng nội dung phản ánh, không đúng thẩm quyền xử lý…; 933 tin báo về lừa đảo tài chính qua mạng.

Bình luận