Cảng biển Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) được quy hoạch làm cảng loại 1 và trong tương lai sẽ là cảng đặc biệt. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và là 1 trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm của Việt Nam.
Cảng Liên Chiểu có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải tỏa giao thông nội đô, đưa cảng Tiên Sa sớm thành cảng du lịch. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, cảng Liên Chiểu không chỉ là điểm đột phá về hạ tầng giao thông, logistics, mà sẽ kéo theo ngành du lịch và dịch vụ của Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung cùng phát triển.
Nằm ở vị trí kín gió, nước sâu, kết nối với nhiều tuyến hạ tầng giao thông huyết mạch quốc gia, nối Việt Nam, Lào, Thái Lan…, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đánh giá cảng Liên Chiểu đủ điều kiện đầu tư thành cảng quốc tế với quy mô ngang với Tân Cảng (TPHCM) và Lạch Huyện (Hải Phòng)…
Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 25/3/2021.
TP. Đà Nẵng phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng biển Liên Chiểu và đường ven biển nối cảng Liên Chiểu trên tổng diện tích gần 470 ha ngày 18/4/2022. Theo đồ án quy hoạch đã điều chỉnh, tổng diện tích khu cảng biển Liên Chiểu là 450 ha.
Tháng 6/2022, UBND Thành phố phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, với quy mô đầu tư gồm xây dựng: xây dựng đê chắn sóng, kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chứa 6.000 - 8.000 TEU.
Đây là công trình giao thông, dự án nhóm A với tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách TP. Đà Nẵng).