Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Canthotv)
Trong một cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo của Liên hiệp quốc, Đại tướng bày tỏ “Tôi mong muốn thế hệ thanh niên của chúng ta không phải gặp nhau ở chiến trường, mà gặp nhau ở giảng đường đại học, cung văn hóa, sân thể thao”.
Đó là những khao khát hòa bình độc lập dân tộc, những ước vọng đời thường của một vị Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam - một huyền thoại sống, một nhân cách lớn đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam và thế giới qua hai cuộc kháng chiến ghi dấu ấn trong chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh.
Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/08/1911 - 25/08/2016), phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) – có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng thuộc Học Viện Chính trị quốc gia HCM về vai trò vị trí của danh tướng tài năng, vĩ nhân quân sự hiển hách nhất của thế kỷ XX.
Nghe phỏng vấn tại đây:
* VOH: Ông có nhận định về gì Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, một nhân cách lớn, “vị tướng của nhân dân”?
- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trước hết, phải nói đến ông là một nhà lãnh đạo tài ba xuất chúng của Đảng và dân tộc VN mình trong thế kỷ 20. Ông là một nhà quân sự thiên tài, một vị tướng lỗi lạc, người được Bác Hồ trao cho nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Cách mạng, tiền thân của Quân đội Nhân dân VN sau này.
Và trong nhiều năm, Đại tướng với tư cách là Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân VN, đã có những cống hiến đặc biệt về chiến lược, khoa học, nghệ thuật quân sự VN trong thời đại Hồ Chí Minh. Từ đó, đã góp phần sự lãnh đạo đúng đắn về chính trị của Đảng, đã đưa dân tộc của chúng ta đi đến thắng lợi Cách mạng Tháng 8 năm 1945, và thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt chống đế quốc thực dân, bảo vệ nền độc lập dân tộc bền vững như hôm nay.
Những công lao, cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được không chỉ dân tộc và Đảng cộng sản VN công nhận mà còn được bạn bè quốc tế kính nể và thường gọi đại tướng là vị tướng huyền thoại. Không những vậy, cả phía đối phương - những người trong giới quân sự chính giới của Pháp, Mỹ cũng rất kính nể ông như tướng Nava của Pháp, tướng McNamara của Mỹ…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – con người với nhân cách cao cả, mẫu mực về đạo đức, luôn luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên hết, không màng đến lợi ích riêng cho cá nhân mình. Do đó ở Đại tướng là đạo đức Cách Mạng theo chuẩn mực đạo đức, tư tưởng phong cách Hồ Chí Minh.
* VOH: Không qua một trường lớp quân sự chính quy nào nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành "vị tướng 5 sao" đầu tiên của Việt Nam. Phó GSTS có ý kiến gì về điều này?
- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Tuy Đại tướng không được đào tạo ở một trường quân sự chính quy nào, nhưng từ thực tiễn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của dân tộc VN và từ những tư tưởng lớn về quân sự mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra, Võ Nguyên Giáp đã suy ngẫm trên mảnh đất hiện thực của cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc VN mà phát triển khoa học quân sự VN.
Và tôi cũng thấy ở Đại tướng, tư tưởng quân sự kết tinh giữa tư tưởng quân sự lớn của dân tộc mình, tiêu biểu cho những tư tưởng lớn của quân sự VN ở các thời kỳ nước, đó là Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung… Những bậc anh hùng dân tộc đó, cống hiến rất lớn về tư tưởng quân sự VN trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước của dân tộc mình.
Đại tướng đã kế thừa được những tư tưởng quân sự đó. Đồng thời, kế thừa được những luận điểm khoa học trong học thuyết quân sự của Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa Mác Lênin, vì Võ Nguyên Giáp được rèn giũa, học hành theo tư tưởng quân sự Chủ nghĩa Mác Lênin, thông qua vai trò của Bác Hồ, kế thừa những giá trị của thời đại.
Những kết tinh ấy, đã làm cho Võ Nguyên Giáp trở thành vị tướng kiệt xuất của dân tộc ta trong thế kỷ 20, được thế giới suy tôn là vị tướng huyền thoại mà đỉnh cao nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* VOH: Một mảnh ghép quan trọng trong cuộc đời của Đại tướng mà ít người biết đến, đó chính là ông từng tham gia làm báo sớm và có nhiều cống hiến cho nền báo chí Cách mạng Việt Nam, một nhà giáo, nhà ngoại giao xuất sắc, nhà văn hóa lớn?
- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: 10 năm đầu khởi đầu của sự nghiệp hoạt động Cách mạng, ông vốn là một nhà báo và hoạt động báo chí rất tích cực để truyền bá tư tưởng yêu nước vào đầu những năm 30. Ông cũng đã trở thành một nhà giáo dạy học, đặc biệt là dạy lịch sử ở trường Thăng Long, Hà Nội vào những năm 30. Như vậy là trước khi trở thành nhà quân sự, ông đã là một nhà báo, một nhà văn hóa, một nhà giáo dạy lịch sử.
Và sau này, trong suốt quá trình đã đi vào con đường quân sự, được Đảng, Bác Hồ phân công lãnh đạo phụ trách mảng quân sự, ông vẫn biểu hiện sáng ngời một nhân cách của một nhà văn hóa trong đạo đức, phong cách, trong văn phong, trong giữ gìn các mối quan hệ các mối quan hệ trong Đảng cũng như đối với dân. Do đó, danh hiệu mọi người vẫn gọi đối với Đại tướng là anh Văn.
Sau này, Đại tướng nhiều lần tâm sự: “Vì đất nước có giặc, tôi phải cầm quân đánh giặc theo sự phân công của Đảng và Bác Hồ. Đất nước không còn giặc nữa, tôi muốn trở lại một người làm báo, dạy học”. Trong một cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo của Liên Hiệp quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ: “Tôi mong muốn thế hệ thanh niên của chúng ta không phải gặp nhau ở chiến trường, mà gặp nhau ở giảng đường đại học, cung văn hóa, sân thể thao, như vậy thì tốt đẹp hơn chứ không mong muốn chiến tranh”. Theo tôi những tư tưởng như thế, chứa đựng giá trị văn hóa nhân văn rất cao cả.
* VOH: Cảm ơn ông.