ĐBQH đề nghị giám sát những vấn đề nóng, xã hội quan tâm

HÀ NỘI - Sáng nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ cơ bản đồng tình với phạm vi điều chỉnh của luật, theo đó, phạm vi điều chỉnh chỉ bao gồm 5 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu cho biết, dự thảo luật có quy định, tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội là vấn đề mang tính thời sự, gắn với quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, có tính tổng hợp thuộc nhiều lĩnh vực và những vấn đề khác.

Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về tiêu chí và quy trình lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội.

291120241014-z6079949547308_fc32382c444b13f121ab14a73b3f8edd
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh: QH

Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “và những vấn đề xã hội quan tâm” vào sau cụm từ “những vấn đề mang tính thời sự”, cụ thể: Tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội là vấn đề mang tính thời sự và những vấn đề xã hội quan tâm, gắn với quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, có tính tổng hợp thuộc nhiều lĩnh vực và những vấn đề khác.

Để hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông quan tâm đến tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát.

Theo đại biểu, chuyên đề giám sát phải bám sát yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, của các địa phương, các vấn đề còn tồn tại lâu dài chưa được quan tâm...

291120240955-z6079612192098_b0f037cbaa6478d3f1cb12e799733b00
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông - Ảnh: QH

Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần xem xét, quy định các tiêu chí lựa chọn cụ thể, rõ ràng, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, địa phương.

Những vấn đề thực tiễn đặt ra đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển vận động của kinh tế xã hội, lựa chọn những xu hướng cần áp dụng tác động tích cực đến chính sách, vấn đề nóng, vấn đề điểm của hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết mà cử tri đặc biệt quan tâm.

Theo quy định hiện hành thì Hội đồng nhân dân có thể ra nghị quyết về chất vấn. Vấn đề này được hiểu là sau khi chất vấn nếu thấy cần thiết thì Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết hoặc không ban hành nghị quyết. Việc quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn khi mà kỳ họp Hội đồng nhân dân chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn.

Công tác chuẩn bị xây dựng nghị quyết ngay trong kỳ họp sẽ không đảm bảo chất lượng và mất nhiều thời gian, tạo sự linh hoạt trong điều hành phiên họp và có rất nhiều trường hợp người bị chất vấn và trả lời chất vấn tất cả các câu hỏi của đại biểu. Do đó, cần giữ nguyên như quy định của luật hiện hành.

Trường hợp quy định bắt buộc phải ra nghị quyết về chất vấn như dự thảo thì cần phải đánh giá tác động kỹ lưỡng chính sách, lấy ý kiến và khảo sát tại các địa phương.

Bình luận