Đề xuất 7 nhóm chính sách triển khai nghị quyết mới về phát triển TPHCM

(VOH) - Một nghị quyết mới về cơ chế chính sách “đặc thù” phát triển TPHCM sẽ dựa trên 3 nguyên tắc chính, tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm 7 nhóm chính sách mang tính lồng ghép.

Một nghị quyết mới về cơ chế chính sách “đặc thù” phát triển Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dựa trên 3 nguyên tắc chính, tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm 7 nhóm chính sách mang tính lồng ghép, là nội dung nổi bật được nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, nêu bật tại Toạ đàm “Đề xuất và kiến nghị một số vấn đề triển khai Nghị quyết số 54”. Toạ đàm do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều ngày 13/07. 

Phát biểu tại Toạ đàm, Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tọa đàm là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và các bên liên quan trao đổi, thảo luận, làm sáng tỏ hơn những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm về những vấn đề thực tiễn trong thực hiện Nghị quyết 54 và những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới. Một số đề xuất nội dung cho Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó tạo điều kiện khơi thông nguồn lực phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới.

Đề xuất 7 nhóm chính sách triển khai nghị quyết mới về phát triển TPHCM 1
TS Trương Minh Huy Vũ chia sẻ tại Toạ đàm

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân, cơ chế chính sách thu hút nhân tài chưa được như mong muốn đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Cụ thể, trong 5 năm thí điểm, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người rời đi, ba năm qua các đơn vị không tuyển được chuyên gia nào. Trong lĩnh vực y tế, gần đây có hiện tượng một số chuyên gia y tế giỏi chuyển sang khu vực tư và hiện tượng này có thể làm giảm cơ hội tiếp cận với y tế của một bộ phận gia đình có thu nhập thấp, nhất là đối với lao động nhập cư. “Vấn đề đặt ra là cơ chế chính sách thu hút người tài như hiện nay đã đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả chưa? Việc trả lương cao (so với mặt bằng chung) để thu hút có phải là cách làm, cách giải quyết vấn đề từ gốc hay mới chỉ là phần ngọn? Ở đây, nói đến người tài, chuyên gia, học hàm giáo sư, phó giáo sư được hưởng bậc 2, mỗi tháng nhận 14 triệu đồng; các trường hợp còn lại nhận hơn 13 triệu đồng mỗi tháng có thực sự thu hút được không?. Nhìn qua Singapore, có vẻ như họ làm từ gốc: thu hút và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên giỏi từ Việt Nam qua học, khi tốt nghiệp phải có nghĩa vụ làm việc cho Singapore”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân nói.

Hay như vấn đề cơ chế đặt hàng đào tạo nhân lực: Thành phố đang tái cấu trúc nền kinh tế, theo định hướng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số và cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Thành phố cũng đang tích cực tiến hành cải cách hành chính, dịch vụ công theo hướng là một thành phố thông minh và để thực hiện được mục tiêu này thì cũng cần đội ngũ cán bộ được đào tạo ngang tầm nhiệm vụ. Tuy nhiên, chưa có cơ chế để Thành phố đặt hàng trực tiếp các trường đại học để đào tạo nhân lực chất lượng phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, cũng như đào tạo cán bộ quản lý có chuyên môn và kỹ năng đáp ứng yêu cầu mới.

Tại Toạ đàm, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trình bày những vấn đề đặt ra trong việc đánh giá Nghị quyết 54, đồng thời qua phân tích đã đề xuất một số kiến nghị điều chỉnh. Trong đó, Giáo sư Nguyễn Thị Cành nhấn mạnh đề việc cơ chế cải cách tiền lương: “Một điểm nữa là về cải cách tiền lương. Hiện nay biên chế viên chức của Thành phố lớn hơn theo quy định của Bộ Nội vụ. Trước đây khi nghiên cứu về chính quyền đô thị, tôi phát hiện một vấn đề. Bộ Nội vụ chỉ quy định theo số đơn vị hành chính. Trong khi tại Thành phố Hồ Chí Minh, một đơn vị hành chính của Thành phố có dân số rất lớn so với các tỉnh. Do đó, kiến nghị cho thành phố sắp xếp lại bộ máy, đặc biệt là xây dựng danh mục vị trí việc làm, quyết định cơ cấu viên chức theo vị trí việc làm”.

Đề xuất các nhóm chính sách cho một nghị quyết mới về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, đại diện nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – phân tích, qua đánh giá và phân tích các cách tiếp cận, theo nhóm cần có một cách tiếp cận mang tính thực dụng hơn và sáng tạo hơn, đó là cách tiếp cận hỗn hợp. Theo đó, các chính sách, cơ chế của Thành phố phải bằng, hoặc vượt trội hơn với các thành phố/đô thị đang đóng vai trò trung tâm kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó là sự trao quyền tương ứng với trách nhiệm, Thành phố được trao quyền lớn hơn, đồng nghĩa cam kết phải đóng góp cho cả nước tương thích. Thứ ba là sự tập trung, không dàn trải, chỉ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, gắn với việc thúc đẩy những thế mạnh của Thành phố về thương mại/dịch vụ/tài chính/công nghệ/đổi mới sáng tạo, thu hút nhà đầu tư lớn. Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 5 năm (2023 - 2017) để thực hiện 4 lĩnh vực ưu tiên, đó là Quy hoạch, hạ tầng giao thông, đô thị; Cải cách cơ chế quản trị; Văn hoá giáo dục, môi trường sống; Đổi mới sáng tạo, kinh tế số. Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ nói: “Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất 7 nhóm chính sách cơ chế cần lồng ghép. Thứ nhất, là về Bộ máy, phân cấp uỷ quyền; Thứ hai là về Cán bộ và thu hút nguồn nhân lực; Thứ ba: Nguồn lực tài chính, đất đai, công sản; Thứ tư: Quy hoạch và thúc đẩy liên kết vùng; Thứ năm: Phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo; Thứ sáu: Mô hình “Thành phố trong thành phố”; Thứ bảy: Đề án phát triển trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh”.

Góp ý trực tiếp vào Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo Nghị quyết này vẫn còn giải quyết những vấn đề riêng lẻ, chưa trao quyền mang tính đột phá để Thành phố Hồ Chí Minh là tâm điểm của những ý tưởng đột phá mang tầm vóc quốc gia. Vẫn là những sự trao quyền “nhỏ giọt, thiếu thống nhất” nên Thành phố phải xoay xở trong chiếc áo cơ chế chung của cả nước. Nên cần bổ sung quy định cho Thành phố Hồ Chí Minh về sự chủ động hoàn toàn trong ngân sách, chủ động trong huy động các nguồn lực xã hội hóa…Trong đó, về tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức, cần cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được quyền quyết định bộ máy chính quyền của Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là thành lập, giải thể các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Ví dụ, Thành phố Hồ Chí Minh cần phải thành lập một Ban chuyên trách về cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo rằng, việc thấu hiểu các quy định thống nhất, có tính tổng quan, liên ngành.