Chờ...

Đề xuất giảm 50% phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước…để kích cầu

(VOH) - Các hiệp hội, địa phương đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước năm nay để kích cầu.

Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản gửi Thủ tướng, các Bộ Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan kiến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Các cơ quan này đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong năm nay; Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Các chính sách này được đề nghị ban hành trong quý I hoặc đầu quý II năm nay.

Đề xuất giảm 50% phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước…để kích cầu 1
Ảnh minh hoạ: TTO 

Theo VAMA, việc thắt chặt nhanh chính sách tiền tệ trong nước đã khiến thanh khoản thị trường bị thu hẹp, lãi suất tăng dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cập tín dụng của doanh nghiệp.

Theo báo cáo bán hàng tháng 1 của VAMA, doanh số bán hàng đã giảm mạnh giảm 44% so với cùng kỳ năm trước và giảm 51% so với tháng trước đó. Doanh số giảm mạnh nằm ngoài dự tính và lượng tồn kho tăng cao đã dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa. Áp lực lên dòng tiền của doanh nghiệp hiện tại rất căng thẳng.

UBND tỉnh Ninh Bình cũng cho biết đối với Công ty CP Tập đoàn Thành Công - doanh nghiệp sản xuất ôtô trên địa bàn tỉnh, việc sản xuất và tiêu thụ ôtô bị sụt giảm mạnh.

Trong tháng 1, sản lượng tiêu thụ ôtô chỉ đạt 2.957 xe, giảm 4.939 xe (tương đương giảm khoảng 62,5%) so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 3.732 xe (giảm 55,8%) so với tháng trước.

Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) dẫn thực trạng việc doanh số thị trường ôtô sụt giảm mạnh kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ và ngành cơ khí cũng bị ảnh hưởng nặng.

Trong ngắn hạn, nếu sức mua không cải thiện, thị trường không tăng trở lại, để giảm bớt áp lực tồn kho, các hãng sẽ khó duy trì nhịp sản xuất ổn định, buộc phải giảm công suất, nhân công. Điều này tác động trực tiếp tới lao động, việc làm, từ đó ảnh hưởng tới xã hội.

Xem thêm: Điểm tin chiều 7/3: TPHCM lên kế hoạch mở rộng QL 13 | Lo ngại người dân ùn ùn trồng sầu riêng

Các hiệp hội, địa phương cùng đề xuất Chính phủ có biện pháp hỗ trợ đủ lớn, tạo động lực cho người tiêu dùng, vực dậy thị trường như khi gặp khó vì Covid-19 giai đoạn 2021-2022.

Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ không giúp giảm giá xe nhưng người mua giảm được chi phí để lăn bánh một chiếc ôtô mới; kích thích nhu cầu tiêu dùng mua sắm trong bối cảnh ảm đạm vì áp lực siết chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.

Về phía doanh nghiệp, hai chính sách kích cầu này sẽ giúp họ giảm bớt áp lực dòng tiền, cũng như có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất.