- Thủ tướng thăm Làng SOS Nha Trang và các em mồ côi do đại dịch Covid-19
- Nhân viên y tế TPHCM phải luân phiên về y tế cơ sở tối thiểu 2 tháng
- Khánh thành nhà trọ miễn phí phục vụ bệnh nhi ung thư
- TPHCM chính thức đóng cửa lò mổ thủ công, chuyển sang cơ sở giết mổ heo công nghiệp
- Đề xuất thêm 7 vị trí xe đạp công cộng tại công trường Quách Thị Trang và đường Lê Lợi
- Thả hơn 390.000 con giống xuống sông Sài Gòn nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản
Thủ tướng thăm Làng SOS Nha Trang và các em mồ côi do đại dịch Covid-19
Trong chuyến công tác nhân dịp 370 năm thành lập tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Làng trẻ em SOS Nha Trang, trao tặng 1 chiếc tivi 85 inches và một phòng học cùng 20 máy tính cho trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19.
Tại lễ trao quà, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nỗi đau của các em không có gì bù đắp được, vậy nên mọi việc làm và hành động, suy nghĩ của chúng ta phải làm sao bù đắp nhiều nhất có thể cho các em.
Nhân viên y tế TPHCM phải luân phiên về y tế cơ sở tối thiểu 2 tháng
Sở Y tế TPHCM cho biết vừa ký hướng dẫn triển khai kế hoạch 5060 của UBND TPHCM về thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn theo hình thức cá nhân hoặc nhóm chuyên môn.
Thời gian tối thiểu là 2 tháng, tối đa 12 tháng (trừ trường hợp tự nguyện đi thời gian dài hơn) với nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y) làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
Việc này nhằm tăng cường nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng trong chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân từ tuyến y tế cơ sở.
Người đến luân phiên làm việc hai ngày/tuần, một tuần/tháng và được cộng dồn thời gian của các đợt để tính tổng thời gian hoàn thành chế độ luân phiên.
Thời gian tối đa của mỗi đợt luân phiên không quá 60 ngày.
Khánh thành nhà trọ miễn phí phục vụ bệnh nhi ung thư
Sáng 1/4, Hội Chữ thập đỏ quận Bình Thạnh cùng Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm tổ chức lễ khánh thành nhà trọ miễn phí phục vụ bệnh nhân nghèo tại phường Tân Phú, thành phố Thủ Đức, TPHCM.
Nhà trọ rộng khoảng 200m², có 40 giường dành cho 70 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở trọ trong quá trình điều trị bệnh.
Tại lễ khánh thành, Ban tổ chức đã trao 100 phần quà (gồm 500 ngàn đồng và 1 phần quà) cho các bệnh nhi và hơn 100 phần quà cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố.
TPHCM chính thức đóng cửa lò mổ thủ công, chuyển sang cơ sở giết mổ heo công nghiệp
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường đô thị, theo Quyết định 231 của UBND TPHCM, từ ngày hôm nay 1/4, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trong khu dân cư sẽ chuyển vào trong các nhà máy giết mổ công nghiệp.
Các nhà máy có dây chuyền giết mổ treo, đa phần tự động hóa, tránh tiếp xúc giữa công nhân và thịt heo. Điều này được ngành nông nghiệp TP cho biết giúp nâng cao chất lượng thịt heo so với giết mổ thủ công trước đó.
TPHCM đang tiêu thụ từ 10.000-11.000 con heo/ngày, trong đó, lượng heo giết mổ tại thành phố đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng; khoảng 2.000 con được giết mổ thủ công từ các tỉnh đưa về; số còn lại là heo đông lạnh nhập khẩu
Đề xuất thêm 7 vị trí xe đạp công cộng tại công trường Quách Thị Trang và đường Lê Lợi
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM đề xuất với Sở Giao thông vận tải phương án tổ chức giao thông tại khu vực công trường Quách Thị Trang, đường Lê Lợi, quận 1 bằng cách bổ sung xe đạp công cộng tại 7 vị trí, quy mô 10-20 xe/vị trí.
Kết hợp các tuyến xe buýt điện nhằm kết nối các điểm du lịch, khu dân cư, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, di tích lịch sử và các khu công sở, văn phòng trên địa bàn quận 1.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải TPHCM tổ chức thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng ở trung tâm quận 1, đưa vào 500 xe đạp ở 43 vị trí khu vực trung tâm thành phố.
Giá vé được tính theo thời gian, cụ thể 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút.
Thả hơn 390.000 con giống xuống sông Sài Gòn nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản
Ngày 1/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM phối hợp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 và các đơn vị liên quan thả hơn 390.000 con giống thuỷ sản nước ngọt xuống lưu vực sông Sài Gòn.
Đây là một trong những hoạt động góp phần hồi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, phát triển nghề cá tại lưu vực sông Sài Gòn.
Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.