Cấm xe tải trên 5 tấn lưu thông lên cầu vượt ngã tư Thủ Đức
Để xây dựng cầu đi bộ tại ngã tư Thủ Đức, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải TPHCM và các đơn vị liên quan lên phương án đảm bảo an toàn giao thông.
Theo đó, từ ngày 27/7 đến 29/10, các loại xe tải trên 5 tấn, container (xe đầu kéo) sẽ bị cấm lên cầu vượt ngã tư Thủ Đức theo hướng về cầu Sài Gòn. Đường đi thay thế là Xa lộ Hà Nội – đường bên hông cầu vượt thép Thủ Đức – Võ Nguyên Giáp.
Trong thời gian xây dựng, tốc độ tối đa trên cầu vượt thép Thủ Đức cũng sẽ bị hạn chế từ 60km/h xuống còn 40km/h.
Các đơn vị liên quan sẽ theo dõi tình hình giao thông và bố trí lực lượng Cảnh sát Giao thông để phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Dự kiến, tiến độ tổng thể xây dựng cầu đi bộ sẽ hoàn thành toàn bộ hạng mục kiến trúc của 5/9 cầu trong tháng 7, tới tháng 9 thì hoàn thành tất cả các cầu còn lại.
Sau đó, các đơn vị sẽ tổ chức kiểm tra, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vào đầu quý 4 năm nay.
Tàu cao tốc TPHCM – Côn Đảo tạm dừng hoạt động từ cuối tháng 7/2024
Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết tàu cao tốc TPHCM – Côn Đảo sẽ tạm dừng hoạt động từ cuối tháng 7/2024 do điều kiện thời tiết từ tháng 7 trở đi sẽ không thuận lợi, khách dễ bị say sóng, ít chọn tàu cao tốc để đi Côn Đảo.
Việc tạm dừng cũng đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình khai thác, vận hành của tàu trên tuyến.
Công ty sẽ thông báo lịch chạy tàu trong thời gian tới khi thời tiết thuận lợi.
Trước đó, tàu cao tốc này đã chính thức khai trương vào ngày 15/5 sau khi hoàn thành các thủ tục và được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương đưa vào khai thác thử nghiệm đến hết tháng 3/2025.
Kiểm tra 4 doanh nghiệp đầu mối và 20 thương nhân phân phối xăng dầu có dấu hiệu vi phạm
Tính đến kỳ điều hành ngày 18/7, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 29 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng RON 95 có 16 lần tăng và 13 lần giảm, dầu diesel 14 lần tăng, 15 lần giảm và dầu mazut có 18 lần tăng, 11 lần giảm.
Bộ Công Thương đã ban hành quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu của 6 thương nhân đầu mối và 8 thương nhân phân phối, hiện nay đang trong quá trình thực hiện.
Qua rà soát báo cáo tình hình duy trì điều kiện kinh doanh, Bộ này đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra 4 thương nhân đầu mối; 20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý theo quy định.
Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân thực hiện nghiêm túc việc báo cáo kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, mua xăng dầu của các nhà máy lọc dầu, dự trữ lưu thông… trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ để kịp thời có giải pháp xử lý.
Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ).
38% trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng
Ngày 23/7, tại Hà Nội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ LĐ-TB-XH) phối hợp với các đơn vị khởi động chương trình Quỹ dinh dưỡng với mục đích gây quỹ trao tặng hơn 80.000 hũ váng sữa cho các trẻ em 4 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum.
Theo số liệu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy có 38% trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, thấp còi.
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị khác nhau, cùng thực hiện các chương trình trao tặng sữa cho trẻ em ở các khu vực có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ đã triển khai một số chương trình về dinh dưỡng, có thể kể đến như chương trình “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam” hoạt động trong suốt 15 năm và đã thực hiện trên 63 tỉnh thành.
Mưa lớn làm hàng chục ngàn hecta lúa, hoa màu bị ngập úng tại nhiều tỉnh thành miền Bắc
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, nhiều tỉnh thành miền Bắc đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, gây ngập úng diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và giao thông.
Tại Hải Dương, có tới 4.972ha lúa bị ngập, các công ty khai thác công trình thủy lợi và địa phương đang tích cực tiêu nước để cứu lúa.
Trong khi đó, tại Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa cũng có hàng ngàn hecta lúa bị ngập.
Về giao thông, hơn 300 điểm sạt lở với tổng khối lượng hơn 10.000m3 đất, đá, bê tông khiến nhiều tuyến đường bị tê liệt, ách tắc nghiêm trọng.
Cá tra Việt Nam chinh phục hơn 140 thị trường
Cá tra Việt Nam đã chinh phục được hơn 140 thị trường trên thế giới, trong đó có những thị trường truyền thống và khắt khe về an toàn thực phẩm và những quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và Nhật Bản.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 918 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của cá tra Việt Nam, với kim ngạch đạt 258 triệu USD.
Thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam nhiều thứ hai là Mỹ, với kim ngạch đạt 160 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo VASEP dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2024, khối lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu cao từ các thị trường chính như Trung Quốc và ASEAN.