Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam

(VOH) - Hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra những tác hại rất to lớn và lâu dài, đặc biệt là đối với sức khỏe con người.

Giải quyết hậu quả chất độc da cam đòi hỏi một quyết tâm và nỗ lực rất lớn, trong đó vai trò của tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp là không nhỏ. Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021), VOH đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin TPHCM về những kết quả hoạt động và công tác chăm lo vì nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn TPHCM.

Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, vì nạn nhân chất độc da cam 1
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin TPHCM

*VOH: Thưa ông, kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam để đảm bảo trang trọng, ý nghĩa và có hình thức tổ chức phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn TPHCM có sự chăm lo như thế nào?

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Năm nay kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam của Việt Nam, đối với nạn nhân da cam có ý nghĩa rất quan trọng nhưng nó lại diễn ra đúng vào lúc dịch Covid-19 bùng phát, cho nên cả nước vào trận và nạn nhân da cam cũng chống dịch. Trong khi bản thân mình đã bệnh rồi, nhưng bây giờ dịch như vậy thì cũng chỉ tuyên truyền để nhắc lại ý nghĩa lịch sử của 60 năm thảm họa da cam, đồng thời cũng thăm hỏi, tuyên truyền những chính sách quan tâm của Đảng và nhà nước đối với nạn nhân da cam/dioxin.

*VOH: Sau 60 năm thảm họa da cam, di chứng của chất độc này vẫn còn rất lớn. Việc xác nhận nạn nhân chất độc da cam, nhất là đối với thế hệ thứ 3 sao cho có căn cứ khoa học và thủ tục nhanh chóng thì TP có những giải pháp gì, thưa ông?

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Vâng, đúng như thế. 60 năm da cam/dioxin thì phải nhận thức cho rõ từ năm 1961 - 1971 Mỹ rải xuống 31 tỉnh thành ở Nam bộ 86 triệu lít hóa chất, trong đó có chất độc da cam/dioxin và đã gây hậu quả cho gần 5 triệu người bị nhiễm. Trong những năm tháng đó nếu tính số người nhiễm là hơn 1 triệu người chết vì chất độc da cam và hiện nay còn khoảng trên 4 triệu người và đó là thế hệ thứ 1 và thế hệ thứ hai đến bây giờ là thế hệ thứ 3, rất quan trọng đối với chúng tôi.

Hiện nay, TPHCM của chúng ta có gia đình cả ba thế hệ đều bị nhiễm. Cho nên chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. TPHCM có khoảng trên 20 ngàn, trong đó có 5.000 cựu chiến binh, chiến đấu ở các chiến trường bị lây nhiễm, khi về TP thì được TPHCM đặc biệt quan tâm. Về giải pháp thì chúng tôi đang xin TP xây dựng một Trung tâm Làng cam để nuôi dưỡng những nạn nhân bị nặng mà không có nơi nương tựa. Đồng thời điều trị cho những nạn nhân và dạy học cho thế hệ thứ 3 là con cháu của nạn nhân da cam không đủ khả năng đến trường, hiện TP đã cho khoảng 49.000m vuông đất và chúng tôi đang tiến hành xây dựng Trung tâm Làng cam ở Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Đồng thời chúng tôi cũng đã 3 lần đi khởi kiện, nhưng phía Mỹ đều từ chối. Đáng lẽ ra là lần thứ 4 sẽ hội thảo quốc tế lần nữa nhưng do dịch Covid-19 nên chưa biết khi nào mới diễn ra. Còn ngành y tế TP cũng khám để giải quyết nhanh thủ tục.

*VOH: Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp tại TPHCM luôn là chỗ dựa vững chắc cho các nạn nhân. Vậy ông cho biết những nét nổi bật nhất về tổ chức và hoạt động chăm lo của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin của TP thời gian qua?

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Nói chung, từ năm 2005 đến giờ được công nhận Hội nạn nhân chất độc da cam, từ trung ương cho đến TPHCM, các cấp đều được tổ chức và thành lập với những người hưu trí và có cái tâm, tầm và đức để tham gia lãnh đạo trong Hội này.

Hơn 10 năm qua đã thành lập được 15 hội, còn 9 hội nữa thì các cấp ủy đảng ở địa phương các đồng chí này chưa quán triệt sâu sắc Nghị định 45 và Chỉ thị 43 của Ban Bí thư, Bộ Chính trị cho nên chưa thực hiện được. Thế còn các huyện hội có rồi thì đã làm rất tích cực, nắm đời sống từng nạn nhân và đi vận động các mạnh thường quân để giúp sức nuôi các nạn nhân da cam, thì các cấp quận, huyện làm rất tốt. Tổ chức hoạt động chăm lo cho nạn nhân, đặc biệt là Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 1, Cần Giờ. Trong thời gian qua, đặc biệt có sự quan tâm của MTTQ tặng quà... để giúp cho nạn nhân chất độc da cam trong thời gian này.

*VOH: Với phương châm "Hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân", trong thời gian tới Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin của TPHCM sẽ làm gì để xứng đáng với truyền thống "Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, vì nạn nhân chất độc da cam", thưa ông?

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Đã 3 lần làm đơn khởi kiện Mỹ nhưng mà Mỹ vẫn từ chối. Chúng tôi chỉ yêu cầu chăm sóc y tế và tẩy độc môi trường nhưng họ vẫn khước từ. Mặc dù họ khước từ nhưng họ vẫn tham gia vào việc tẩy độc môi trường. Các mạnh thường quân cũng đến giúp cho nạn nhân da cam.

Với một TP lớn như thế này, chúng tôi phải thường xuyên theo dõi và chỉ đạo giúp đỡ đối với nạn nhân ở các quận huyện gặp khó khăn. Mặc dù bản thân các đồng chí tự nỗ lực, nhưng TP cũng rất quan tâm đến việc này. Cho nên trong thời gian tới Hội nạn nhân chất độc da cam TP đã xây dựng Trung tâm Làng cam để nuôi dưỡng, điều trị và dạy học cho các con em để xứng đáng với truyền thống “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam”. Vì hỗ trợ cho bệnh nhân da cam không phải là trách nhiệm của riêng ai mà của tất cả. Ngay cả TP, như Ban Dân vận, MTTQ, Sở Nội vụ và Sở LĐTB – XH, rồi bản thân chúng tôi cũng nỗ lực làm hết sức mình đúng với nghĩa tình, đoàn kết và trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam mà Chủ tịch nước đã nói, thì hiện nay chúng tôi đang làm tích cực, kiên quyết và triệt để theo đúng chỉ đạo của cấp trên, mặc dù chiến tranh đã lùi xa.

*VOH: Cảm ơn ông.