Chờ...

Doanh nghiệp xuất khẩu "kêu khó" vì chi phí logistics nội địa cao

(VOH) - Giá cước vận tải biển quốc tế giảm sâu nhưng chi phí logistics nội địa cao đang là thách thức lớn của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Tại Diễn đàn logistics với khu vực châu Âu – châu Mỹ diễn ra ngày 20/12, bà Võ Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh (HLA) cho biết, một trong những vấn đề được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với thị trường châu Âu – châu Mỹ quan tâm là giá cước vận tải, đây cũng là vấn đề có nhiều biến động trong 2 năm trở lại đây. 

Cước vận tải quốc tế tăng mạnh từ năm 2021 với tỉ lệ tăng từ 8 - 10 lần so với thời kỳ trước COVID-19 (2019-2020). Có giai đoạn giá cước vận tải đường biển đi từ Việt Nam đến bờ đông nước Mỹ lên tới hơn 15.000 USD/container nhưng doanh nghiệp không đặt được tàu và container rỗng.

Từ tháng 7/2022 cước vận tải quốc tế, đặc biệt là các tuyến đi châu Âu, châu Mỹ đã giảm nhiều so với năm 2021 và đến quý IV/2022 cước vận tải quốc tế đang có xu hướng trở về trạng thái bình thường như giai đoạn 2019-2020.

Doanh nghiệp xuất khẩu
Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với thị trường châu Âu-châu Mỹ quan tâm là giá cước vận tải. Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành gỗ, nội thất là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn từ cước vận chuyển do hàng hóa chiếm thể tích lớn. Hiện nay gánh nặng về vận tải biển quốc tế đã được tháo gỡ do cước tàu giảm mạnh.

Chi phí logistics vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm gỗ, nội thất của Việt Nam do chi phí vận tải nội địa đang ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng. 

“Ngành chế biến gỗ tập trung nhiều ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…nhưng nguồn cung nguyên liệu gỗ trong nước chủ yếu ở miền Trung và miền Bắc nên doanh nghiệp tốn khá nhiều chi phí logistics nội địa, làm gia tăng chi phí. Để giảm áp lực, giá thành cho sản phẩm xuất khẩu cần có phương án để cắt giảm chi phí logistics trong nước”, ông Nguyễn Chánh Phương nêu vấn đề.

Ông Nguyễn Quang Thạnh, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ hiện nay rất cao, chỉ thua đường hàng không và phải đi qua các thành phố lớn, thường xuyên tắc nghẽn dẫn đến bị trễ chuyến tàu, trễ chuyến bay. Phương thức vận tải đường thuỷ chưa được khai thác nhiều, dù có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch kết nối xuyên suốt từ các tỉnh đến TP Hồ Chí Minh.

Xem thêm: Sai phạm tại các Trung tâm đăng kiểm: Công an TPHCM bắt 33 bị can

Các chuyên gia cho rằng, dư địa để cải thiện chuỗi logistics ở Việt Nam còn rất lớn, nhưng phải có sự đột phá trong đổi mới cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế quốc gia và vùng.

Trước tiên cần xử lý các điểm hạn chế của chuỗi cung ứng như năng suất các cảng biển, cảng cạn, cảng thủy nội địa, kho bãi và điểm trung chuyển.

Quy hoạch vận tải đa phương thức thúc đẩy phát triển nhanh các phương thức vận tải hàng hóa chi phí thấp để cắt giảm chi phí cho hàng hoá xuất khẩu.