Logistics xanh - Động lực đổi mới và phát triển bền vững

(VOH) - Logistics xanh mang đến nhiều lợi ích từ việc tiết giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, ngăn ngừa tác hại đến môi trường và góp phần cho sự phát triển bền vững.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI), công bố năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi.

Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 lên 616,30 tỷ USD, tăng 14,06 % so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện ngành logistics bộc lộ những hạn chế, yếu kém như phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chi phí cao, năng lực cạnh tranh hạn chế, liên kết với các ngành hàng xuất khẩu chưa chặt chẽ, thiếu nhân lực chất lượng cao…đây là điểm nghẽn lớn kìm hãm sự phát triển của ngành logistics.

Đồng chí Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Phiên toàn thể
Ông Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn.

Tại diễn đàn “Logistics xanh” diễn ra mới đây, ông Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, trong bối cảnh phát triển mới, đặt ra yêu cầu ngành logistics vừa phải có các giải pháp đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ vừa phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp khác biệt, định hình các hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, thể hiện vai trò hàng đầu trong nỗ lực bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật... tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logistics và phát triển logistics xanh tại Việt Nam.

"Thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics, đây vừa là yêu cầu vừa là động lực để đổi mới và phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế... nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh và làm chủ một số chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian tới", ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Xem thêm: Xuất khẩu xanh - “Luật chơi” mới của thương mại toàn cầu

 

Tại Diễn đàn, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về những bài học kinh nghiệm cũng như hiến kế, kiến nghị nhiều giải pháp, sáng kiến để tạo môi trường thuận lợi hơn cho phát triển dịch vụ logistics, nhất là phát triển logistics xanh trong giai đoạn mới.