Giải ngân vốn đầu tư công chậm do năng lực tổ chức thực hiện dự án còn yếu

(VOH) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với các dự án chuyển tiếp, việc giải ngân đầu tư công chậm do năng lực tổ chức thực hiện dự án còn yếu, nhất là năng lực cán bộ quản lý dự án còn hạn chế.

Đây là nội dung được đưa ra trong cuộc họp về tình hình giải ngân vốn đầu tư công diễn ra chiều 8/12, tại Trụ sở Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, lý do khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm còn do giải phóng mặt bằng, giá cả nguyên vật liệu tăng cao dẫn đến nhà thầu thi công cầm chừng. Một số dự án do ảnh hưởng biến động tăng giá dẫn đến vượt chi phí dự phòng làm tăng tổng mức đầu tư phải rà soát lại các hạng mục…

Xem thêm: Giải ngân vốn đầu tư công thấp nhưng... cũng đã tăng 16%

Giải ngân vốn đầu tư công
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Tổ công tác số 1 với các 8 bộ, cơ quan Trung ương và 2 địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công (Ảnh: VGP)

Để giải quyết các “nút thắt” này, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương dự họp đã đưa ra một số kiến nghị cụ thể.

Đối với việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng, cần sửa đổi theo hướng giao cơ quan chuyên môn xây dựng cấp tỉnh thẩm định báo cáo này.

Về thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành công trình, đề nghị sửa đổi theo hướng giao cơ quan chuyên môn xây dựng của địa phương kiểm tra công tác nghiệm thu để tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Liên quan đến đất san lấp có phải là khoáng sản hay không, cần sửa đổi quy định về khái niệm "khoáng sản" theo hướng tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản; cần có quy định riêng biệt về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản đối với từng nhóm, loại khoáng sản tổ chức cá nhân được cấp phép phù hợp.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá, tình hình giải ngân của các bộ, cơ quan, địa phương dự họp có tiến triển theo hướng tăng dần, tuy nhiên so với mục tiêu đề ra còn chậm.

Theo Phó Thủ tướng, trong số những nguyên nhân chủ quan và khách quan nêu trên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, nhất là trong công tác lập quy hoạch, đề xuất xin dự án, năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu.

Phó Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục siết chặt kỷ cương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh trong nội bộ của bộ, cơ quan, địa phương mình theo quy định.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đặc biệt lưu ý phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chuẩn bị dự án để khi giao vốn thì dự án được triển khai ngay, không để xảy ra tình trạng "vốn chờ dự án", nhất là các dự án sử dụng vốn ODA.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2002 là trên 580.261 tỷ đồng; số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 580.064 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/11, tổng số vốn ngân sách Nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 550.400,63 tỷ đồng, đạt 94,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt 94,6%, vốn nước ngoài đạt 99,7% kế hoạch.

Số vốn ngân sách Nhà nước còn lại chưa phân bổ là 29.646,204 tỷ đồng, bằng 5,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương.

Bình luận