Sáng 4/7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua đề án phát triển giao thông công cộng bằng buýt điện, năng lượng xanh, nằm trong nội dung nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội tại thủ đô.
Theo nội dung đề án, Hà Nội đặt cột mốc từ 2026-2030 sẽ có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt chạy LNG (là khí dầu mỏ hóa lỏng, không màu, không mùi) hoặc chạy bằng CNG (khí thiên nhiên thành phần chủ yếu là CH4 - metan, được xem là nguồn năng lượng sạch), với nguồn lực tài chính 43.000 tỷ đồng.
Với xe buýt hoạt động trong khu vực đô thị trung tâm (trong vành đai 4) được định hướng chuyển đổi sang chạy điện. Các tuyến buýt mở mới ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh.
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ thay toàn bộ xe buýt chạy dầu diesel đã hết khấu hao và hết hạn thầu.
Các xe còn khấu hao chưa đến 10 năm từ ngày sản xuất được sử dụng đến hết khấu hao để chuyển sang xe buýt xanh.
Giai đoạn 2024-2030, tỷ lệ chuyển đổi buýt chạy dầu diesel sang xe buýt xanh là 70-90%. Giai đoạn 2031-2035 sẽ là 100% xe buýt chạy tại Hà Nội là xe buýt điện.
Hiện nay, Hà Nội dành khoảng 2.300 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách để trợ giá cho xe buýt. Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh, Hà Nội cần bố trí thêm khoảng 8.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2024 - 2033, tương đương 831 tỷ đồng mỗi năm.
Việc chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt tại Hà Nội sang sử dụng xe buýt điện và năng lượng xanh được đánh giá là sẽ góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng, tạo nên một hệ thống giao thông bền vững và hiệu quả hơn cho thủ đô.