Thông tin về tình hình lao động, việc làm 5 tháng đầu năm 2023 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu trong báo cáo kinh tế - xã hội gửi Chính phủ cho thấy tính đến 31/5, có 509.903 người lao động bị ảnh hưởng việc làm như mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương.
Con số này chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp. Trong đó, số lao động bị mất việc, thôi việc là 279.409 người (chiếm 54,79%).
Tình trạng lao động bị mất việc, giãn việc chủ yếu tập trung tại một số tỉnh, thành phố lớn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.
Xét theo địa phương, tỉnh Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), TP.HCM (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người)…
Trong 5 tháng đầu năm, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 393.377 người, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay số lao động mất việc làm tập trung tại các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.
Trong đó lao động ngành dệt may là 68.782 người, da giày 31.653 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 45.075 người.
Bộ này nhận định việc cắt giảm lao động hiện tại mang tính cục bộ, vẫn trong khả năng kiểm soát.
Nhưng nếu khó khăn về thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu, giá năng lượng không được giải quyết thì số lượng lao động phải cắt giảm việc làm sẽ tăng cao, lan rộng sang các ngành nghề khác trong thời gian tới.