Làm sao để BHXH thực sự trở thành “chỗ dựa” của người lao động khi về già?

(VOH) - Theo thống kê của BHXH Việt Nam, người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đang có xu hướng gia tăng (trung bình tăng mỗi năm khoảng 8,4% - giai đoạn 2016-2021).

Chỉ trong ba tháng đầu năm 2022, cả nước có hơn 200.000 lượt người rút BHXH một lần nhằm giải quyết khó khăn trước mắt.

Riêng tại TPHCM, chỉ 3 tháng đầu năm 2022 đã có khoảng 37.000 người làm thủ tục nhận BHXH một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng hồ sơ rút BHXH rất lớn, bên cạnh người lao động ở TPHCM, còn có nhiều người lao động ở các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh cũng rút BHXH một lần tại TPHCM. Bình quân người rút BHXH một lần được hưởng 50-60 triệu đồng, có người cao lên tới khoảng 300 triệu đồng, chỉ một số trường hợp cá biệt là khoảng 500 triệu đồng – do được đóng BHXH cao và kéo dài trong nhiều năm.

Xem thêm: Năm 2021: Hơn 95.000 người lao động ở TPHCM xin hưởng BHXH một lần

Điều này gây ra những hệ lụy gì cho người lao động và cho chính sách an sinh của Nhà nước? Dưới đây là ý kiến của TS. Trịnh Quốc Đạt, Trưởng Bộ môn Tài chính - Ngân hàng, Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM).

Các chuyên gia phân tích về lợi/hại khi rút BHXH một lần

* VOH: Theo ông, việc người lao động rút BHXH một lần sẽ “thiệt thòi” như thế nào về lâu dài?

- TS. Trịnh Quốc Đạt: Trước hết, chúng ta cần thấy lý do của việc rút BHXH một lần tăng mạnh trong thời gian gần đây xuất phát một phần khá lớn từ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu như tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2019 là 2,17% (3,11% ở khu vực thành thị) thì con số này tăng lên đến 3,22% trong năm 2021 (4,42% ở khu vực thành thị).

Do đó, việc nhận BHXH một lần có thể giúp người lao động có tài chính để chống chọi được trong một thời gian ngắn trước mắt khi thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề nhưng về lâu về dài sẽ có rất nhiều hệ lụy: không được tính số năm đóng BHXH tích lũy, khi hết tuổi lao động sẽ không nhận được an sinh xã hội, cụ thể là lương hưu và các quyền lợi khám chữa bệnh theo hệ thống bảo hiểm y tế (BHYT) nhà nước, thân nhân không được nhận chế độ tử tuất…

Việc người lao động rút BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng tới hệ thống an sinh xã hội nói chung mà trực tiếp tước đi những quyền lợi của bản thân trong tương lai, đặc biệt khi họ không có một nguồn thu nhập/kế hoạch tài chính ổn định cho tuổi già và không được hưởng BHYT do BHXH đóng khi về già.

Theo Ngân hàng thế giới và Tổ chức Y tế thế giới, chi tiêu y tế của Việt Nam chiếm 5.25% GDP năm 2019, ở mức khoảng 17 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 181 đô la Mỹ/người. Tuy nhiên, mức độ chi tiêu cho sức khỏe và y tế là hoàn toàn khác nhau theo độ tuổi. Kể từ độ tuổi 40 trở đi, mức độ chi tiêu cho y tế của người dân tăng lên đáng kể, đặc biệt là ở nhóm độ tuổi từ 65 trở đi (người già).

Nếu như chi tiêu y tế ở nhóm tuổi 30-34 chỉ chiếm 2% GDP đầu người, thì con số này là khoảng 4% ở nhóm tuổi 40-44, khoảng 8% ở nhóm tuổi 60-64 và tăng cao tối đa ở mức 16% cho nhóm tuổi 70-74 (Nguồn: Ngân hàng thế giới 2020). Như vậy, nếu tính theo GDP bình quân đầu người năm 2020 (khoảng 2.785 đô la Mỹ), thì mức chi tiêu về y tế của người ở độ tuổi 70-74 sẽ ở khoảng 445 đô la Mỹ, tương đương với khoảng hơn 10 triệu đồng/năm.

Và mức chi tiêu này sẽ tăng dần theo từng năm khi chi phí y tế ngày một trở nên đắt đỏ hơn, chưa kể đến các chi phí y tế khổng lồ phải trả nếu người lao động mắc các bệnh cần xử lý chuyên khoa sâu hơn, như phẫu thuật tim, dạ dày, Covid-19… Trong khi đó, nếu có BHYT do BHXH đóng khi nghỉ hưu, thì mức chi trả tối đa được hưởng của người lao động lên đến 95% chi phí chữa bệnh.

Xem thêm: Điều chỉnh tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội (BHXH)

* VOH: Vậy việc đóng BHXH và nhận BHXH nên được hiểu đúng đắn là như thế nào thưa ông?

- TS. Trịnh Quốc Đạt: BHXH hình thức góp tiền tại thời điểm thuận lợi (trong độ tuổi lao động, còn sức lao động) để chuẩn bị cho những rủi ro tại thời điểm kém thuận lợi hơn (khi tuổi cao, sức yếu, dễ ốm đau, không còn khả năng lao động). Và chế độ bảo hiểm này áp dụng cho toàn dân, là sự chia sẻ rủi ro của toàn xã hội.

Theo Điều 74 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, hiện tại, thời gian tham gia BHXH tối thiểu để nhận các chế độ hưu trí và an sinh xã hội là 20 năm với lao động nam (15 năm với lao động nữ) và mức nhận là 45% mức thu nhập bình quân đóng bảo hiểm. Nếu đóng đủ 35 năm với lao động nam và 30 năm với lao động nữ thì mức lương hưu được hưởng tối đa cho người lao động là 75% mức lương tháng bình quân đóng bảo hiểm.

Như vậy, với tuổi thọ bình quân đầu người ngày càng cao, hơn 75 tuổi (số liệu năm 2020), thì rủi ro không đảm bảo nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống là rất lớn nếu rút BHXH một lần. Trong khi đó, BHXH không giới hạn thời gian chi trả một khi đủ điều kiện nhận chế độ hưu trí và lương hưu cũng được điều chỉnh định kỳ theo CPI và theo mức lương tối thiểu để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Một số người chỉ nhìn vào bài toán lợi nhuận và bỏ qua yếu tố rủi ro cũng như chế độ BHYT khi về hưu. Thực tế, nếu xét trên khía cạnh giá trị thời gian của tiền, mức sinh lợi gộp của khoản tiền bảo hiểm thì việc gửi tiền vào các kênh khác có thể sẽ đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, người lao động cần lưu ý những vấn đề rủi ro khác nếu không việc rút BHXH một lần sẽ “lợi bất cập hại”.

* VOH: Theo ông, trước mắt người lao động đóng BHXH cần làm gì có mức lương hưu cao hơn, đảm bảo cuộc sống sau khi nghỉ hưu?

- TS. Trịnh Quốc Đạt: Theo báo cáo của BHXH Việt Nam thì khoảng cách giữa người nhận lương hưu cao nhất và người nhận lương hưu thấp nhất hiện tại có sự chênh lệch khá lớn. Chính sách hưu trí hiện tại là hưởng theo tỷ lệ đóng không dựa trên tinh thần của nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp hơn trong xã hội. Về lâu dài, các điều chỉnh BHXH nên theo tinh thần này.

Ở một khía cạnh khác, bên cạnh quy định về mức lương tối thiểu đóng BHXH của nhà nước, thì mức lương đóng bảo hiểm cần nhìn nhận là thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp. Quan sát thực tế, có thể thấy, bản thân rất nhiều người lao động, mặc dù nhận lương cao, nhưng vẫn chỉ mong muốn đóng BHXH ở mức lương tối thiểu, hoặc mức lương cơ bản. Do đó, để giải quyết vấn đề mức lương đóng BHXH thì:

  • Thứ nhất, người lao động cần phải được phổ biến rõ về quyền lợi và những rủi ro của mình khi họ đóng hay không đóng BHXH, cũng như mức lương đóng BHXH hiện tại sẽ ảnh hưởng đến mức lượng nhận khi đến tuổi nghỉ hưu. Bản thân BHXH cũng cần phải giải quyết được những khúc mắc của người lao động về thời gian đóng bảo hiểm, phần trăm tối thiểu nhận bảo hiểm để tạo ra được sự tin tưởng của người lao động.
  • Thứ hai, cần tăng cường vai trò giám sát của Công đoàn cơ sở tại các công ty để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Công đoàn cơ sở cần tư vấn cho người lao động cho công ty và có quyền được yêu cầu các công ty đóng BHXH phù hợp với mức lương thực nhận của người lao động, để tránh thiệt hại cho người lao trong việc hưởng các chính sách hưu trí về lâu dài.

* VOH: Đối với các chính sách BHXH hiện nay, theo ông cần có sự điều chỉnh như thế nào để người lao động - nhất là những người công nhân có thể nhận được nhiều lợi ích từ BHXH?

- TS. Trịnh Quốc Đạt: Theo tôi, cần tăng cường sự minh bạch trong công tác quản lý và sử dụng quỹ BHXH, cho phép người dân được tham gia công tác giám sát kế hoạch sử dụng và đầu tư quỹ BHXH; đồng thời nâng cao chất lượng các dịch vụ được hưởng của người lao động nhận được từ BHXH, đặc biệt là dịch vụ y tế.

Có thể xem xét trả lãi suất tối thiểu cho khoản tiền đóng BHXH của người lao động, ít nhất là đủ bù đắp mức trượt giá của đồng tiền. Cho phép người dân được rút lãi định kỳ theo kỳ hạn 3, 5 hoặc 7 năm. Điều này cũng góp phần hỗ trợ người lao động, giảm bớt việc rút BHXH, từ đó nâng cao quyền lợi và tăng cường sự tin tưởng gắn bó của người lao động với việc đóng BHXH.

Tại một số nước, thời gian tối thiểu đóng BHXH là 10 năm, sau đó người lao động đã có thể hưởng lương hưu, tuy mức hưởng có thể thấp hơn nhưng linh hoạt hơn cho người lao động. Do đó, việc cải cách theo hướng giảm thời gian tối thiểu quy định đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí cùng các điều khoản linh hoạt hơn là hết sức cần thiết.