Chờ...

Nâng cao nhận thức bảo vệ và hỗ trợ an toàn trẻ em trên môi trường mạng

(VOH) - Sáng 14/10, Cục Báo chí - Bộ TT&TT tổ chức khóa tập huấn cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí phía Nam về hiện trạng và các xu hướng công nghệ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Phát biểu khai mạc, bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, chương trình tập huấn nhằm cung cấp thông tin, cập nhật về hiện trạng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các xu hướng công nghệ để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Chia sẻ về chuyên đề “Hiện trạng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và một số quy định hiện hành về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, bà Phạm Thị Thủy, Phụ trách phòng Phát triển và tham gia của Trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay số lượng trẻ em bị quấy rối trên mạng đang báo động.

Cụ thể có khoảng 1% đến 2% trẻ em bị dụ dỗ gửi ảnh/video bộ phận nhạy cảm, hoặc trẻ em bị đề nghị cho tiền/quà để đổi lấy hình ảnh/video nhạy cảm rồi cho tiền/quà để thực hiện hành vi tình dục, một số trẻ bị chia sẻ ảnh nhạy cảm của mình mà không có sự đồng ý. Nguyên nhân là do sự giám sát, đồng hành của các bậc phụ huynh đối với trẻ còn chưa chặt chẽ.

Nâng cao nhận thức bảo vệ và hỗ trợ an toàn trẻ em trên môi trường mạng 1
Buổi tập huấn về hiện trạng và các xu hướng công nghệ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Cục Báo chí tổ chức sáng 14/10

Tại buổi tập huấn, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông phân tích về các xu hướng công nghệ bảo vệ, hỗ trợ và nâng cao nhận thức về an toàn thông tin của trẻ cho biết, một số trẻ em khi bị yêu cầu trò chuyện về tình dục hoặc chia sẻ hình ảnh khi chưa có sự đồng ý thì thường không kể với ai, hoặc nếu có thì chủ yếu là bạn bè. Hầu như trẻ không sử dụng bất cứ cơ chế trình báo nào để trao đổi với cơ quan Công an cũng như là báo cho người thân biết để can thiệp và kịp thời ngăn chặn.

Bà Như Hoa lưu ý phụ huynh cần trang bị cho con những cái kỹ năng cần thiết để trẻ có thể tự nhận biết và tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Và cùng con thiết lập những cái nguyên tắc sử dụng mạng Internet an toàn. Bố mẹ cũng tự trang bị cho mình những kiến thức để đồng hành cùng con như bật các tính năng giám sát, cài đặt chế độ sử dụng an toàn hoặc thiết lập giới hạn thời gian sử dụng.

Trong trường hợp trẻ gặp khó khăn, rắc rối trên môi trường mạng, cha mẹ không nên trách mắng, làm tổn thương trẻ, thay vào đó là lắng nghe, trò chuyện và tìm cách đồng hành cùng trẻ. Đồng thời, nhanh chóng trình báo cho các cơ quan chức năng hoặc liên hệ mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để được hỗ trợ.