Trước tình hình này, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp, kịch bản để chuẩn bị ứng phó với đợt nắng nóng mùa khô 2022 nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục cho toàn thành phố.
Theo kế hoạch, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đang khẩn trương hoàn thành các công tác sửa chữa, bảo trì lưới điện ngay trong quý I/2022 để không phải cắt điện kế hoạch bảo trì trong giai đoạn mùa khô năm 2022. Ông Trần Hải Đăng – Phó giám đốc Công ty Lưới điện Cao thế TP.HCM cho biết: “Việc bảo trì lưới điện là phải được triển khai trước mùa khô hàng năm để đảm bảo cung cấp điện, nhất là những tháng cao điểm của mùa nắng nóng và để đảm bảo cho việc cung cấp điện an toàn, liên tục, đảm bảo cung cấp điện cho người dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trong năm 2021, công ty đã thực hiện thi công khoảng 21 lượt rửa sứ online tại 21 trạm biến áp thuộc các khu vực có mức độ ô nhiễm cao như gần các khu công nghiệp, các khu vực gần đường giao thông, các trạm ở khu vực Huyện Cần Giờ do ảnh hưởng của không khí gần biển, nhiễm mặn…. Hàng năm, Công ty lưới điện cao thế thực hiện công tác bảo trì định kỳ cho 60 trạm biến áp 110 và 220 kV cũng như gần 1000 km đường dây 110 và 220 kV trên toàn địa bàn TPHCM”.
Đối với công tác bảo trì lưới điện, Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết: hiện đơn vị đang áp dụng triệt để các giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến để không gây mất điện cho khách hàng như thi công live-line, vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao, thay chì FCO không mất điện…Giải pháp vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao mà công ty đang triển khai là hình thức xử lý tình trạng nhiễm bụi bẩn bám ở các chuỗi sứ và thiết bị trên đường dây dẫn điện hoặc trạm biến áp. Vậy, việc vệ sinh các thiết bị trên lưới cao thế bằng hình thức rửa sứ online như hiện nay có những đặc điểm nổi bật gì và mang lại lợi ích như thế nào so với phương pháp truyền thống? Ông Trần Hải Đăng – Phó giám đốc Công ty Lưới điện Cao thế TP.HCM phân tích: “Việc vệ sinh sứ theo hình thức thủ công như trước đây tốn khá nhiều thời gian của ngành điện, bởi các công nhân phải leo lên trụ để lau chùi từng chuỗi sứ và từng thiết bị trên lưới và phải lên kế hoạch cắt điện trước khi thi công. Từ đó, thời gian mất điện kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động cấp điện của nhà cung cấp cũng như làm ảnh hưởng rất nhiều tới sản xuất và sinh hoạt của khách hàng. Nguồn nước dùng để vệ sinh sứ và thiết bị trên lưới cũng cần phải xử lý cho tới khi đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào sử dụng. Nước rửa sứ phải qua quá trình khử ion bằng công nghệ mới để nước không còn khả năng dẫn điện, trước khi tiến hành công tác rửa sứ tại hiện trường, cán bộ kỹ thuật và công nhân phải dùng thiết bị kiểm tra mức độ cách điện an toàn của nước và ghi cụ thể vào phiếu công tác. Với công nghệ này việc rửa sứ được diễn ra nhanh chóng và an toàn đối với công nhân ngành điện”.
Có thể nói, công nghệ này đảm bảo về độ an toàn, không ảnh hưởng đến vận hành của lưới điện vì quy trình được giám sát chặt chẽ từ khâu lập phương án kỹ thuật, hệ thống cấp nước đến khâu kiểm tra kỹ thuật vận hành của công nhân. Cũng theo ông Trần Hải Đăng, việc vệ sinh các thiết bị trên lưới cao thế bằng hình thức rửa sứ online như hiện nay đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Công nhân phải được đào tạo, tập huấn về những nguyên tắc khi vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao và những điều cần lưu ý khi tiến hành vệ sinh cách điện trong trạm biến áp và trên đường dây dẫn điện. Do đó, tất cả công nhân thực hiện rửa sứ hotline đều được huấn luyện bài bản từ công tác tổ chức đến việc thực hành tại chỗ trước khi ra thi công.
Và để đảm bảo điện trong mùa khô năm nay, Công ty Lưới điện Cao thế TP.HCM đã lập kế hoạch rửa sứ và các thiết bị cao thế ngay từ tháng 01/2022 và đang khẩn trương thực hiện trên các trạm biến áp 110 – 220kV, trong đó chú trọng các khu vực như: Khu công nghệ cao, khu có nhiều nhà máy, doanh nghiệp…để đảm bảo điện sản xuất cho các doanh nghiệp. “Trong năm 2022, có 29 trạm biến áp ngoài trời sẽ được thực hiện bảo trì bằng phương pháp rửa sứ online và 14 đường dây 110 KV, còn đối với những trạm còn lại thì do đặc thù là những trạm sử dụng thiết bị GIS nên sẽ thực hiện bảo trì định kỳ bằng phương pháp truyền thống. Công tác này thường được thực hiện định kỳ vào các tháng trước cao điểm mùa khô hàng năm, thực hiện từ tháng 01 đến trước 30/04 hàng năm nhằm giảm đảm bảo thiết bị vận hành an toàn đảm bảo cung cấp điện trong các tháng cao điểm mùa khô hàng năm”, ông Trần Hải Đăng – Phó giám đốc Công ty Lưới điện Cao thế TP.HCM chia sẻ thêm.
Có thể thấy, công tác bảo trì lưới điện bằng các phương pháp có ứng dụng công nghệ tiên tiến mà công ty Lưới điện Cao thế đã triển khai áp dụng từ nhiều năm nay đã mang lại những hiệu quả to lớn không chỉ góp phần giảm tổn thất điện năng cho ngành điện mà còn đảm bảo cung cấp điện liên tục, phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của khách hàng. Tin rằng, với sự chủ động và chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của mình trong việc cung cấp điện mùa khô năm 2022, qua đó góp phần phục vụ thành phố phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”.