Ngày Tết nói chuyện rượu bia

(VOH) - Người xưa có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện", ngày nay để các cuộc họp mặt thêm phần vui vẻ và ý nghĩa, rượu bia thường được dùng. Rượu vào lời ra, tình cảm dạt dào với người đối ẩm nhưng nếu lạm dụng bia rượu thì không những hại sức khỏe, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội.

1001 lý đo dùng bia rượu!

Theo thống kê, người Việt uống bia ngày càng nhiều. Sinh nhật, thôi nôi, tân gia, giỗ chạp, cho đến gặp mặt bạn bè cũ đều phải có bia rượu…Anh L giám đốc một công ty tư nhân ngành xây dựng thú thật, không có rượu bia thì khó mà có hợp đồng! Anh thuộc loại tửu lượng rất khá, bạn bè chưa từng thấy anh xỉn bao giờ. Thế nhưng, như anh nói “cực chẳng đã” mới phải đi nhậu với đối tác vì không nhậu thì không xong việc! Chẳng qua nhậu để quan hệ làm ăn chứ có “sướng” như đi nhậu với bạn bè đâu!

H chủ một doanh nghiệp vận tải, không thuộc loại “lầy” như dân ghiền, nhưng hầu như chiều nào về nhà cũng có hơi men. Anh thường đùa cái quán P ở gần sân bay nhậu từ hồi còn nhà lá, nay xây lại mấy tầng thì anh có đóng góp mấy cây cột nhà trong đó!  Còn T thì kinh doanh xe du lịch, xuất thân là một tài xế nhưng T thuộc loại “đã chơi là chơi tới bến”, nay không còn chạy xe nhưng mỗi lần có dịp đi tỉnh là thấy xuất hiện trên “phây” hình tự sướng bên bàn nhậu với “mồi ngon rượu béo”...

Người “rủng rỉnh” túi tiền thì nhậu cốt để ra việc mà làm, để vui thú với bạn bè nhưng người ít tiền thì cũng phải nhậu vì như L một nhận viên bán hàng luôn khoe trong bàn nhậu: “Nhậu cho đời bớt khổ, chứ có béo bổ gì đâu”! Không có dịp để nhậu thì cũng bày ra chuyện “gài độ” để uống, vui uống, buồn uống, không vui, không buồn cũng uống- đó là triết lý của "đệ tử lưu linh". 

Tác hại 

Cách đây 4 năm  số lượng bia người việt tiêu thụ được ghi nhận là 3 tỉ lít/năm nhưng số liệu được công bố gần đây nhất thì con số đó là 3,8 tỉ lít trong năm 2016. Nếu chia bình quân cho đầu người thì mỗi người Việt tiêu thụ chừng 42 lít bia/ năm!

Theo những chuyên gia y tế thì số lượng tiêu thụ bia ở Việt Nam gia tăng theo kiểu rất đáng lo ngại vì so với các nước, việc uống bia  ở Việt Nam có điều khác biệt. Đó là việc tiêu thụ bia tập trung vào một số nhóm đối tượng thường xuyên hay nói khác đi là đối tượng “ghiền”, “bợm nhậu” hoặc có nguy cơ sắp “ghiền”...Nếu tập trung vào nhóm đối tượng nầy thì sẽ tăng nguy hiểm cho bản thân họ. Những đối tượng nầy cũng dễ bị các “tai nạn” do rượu bia gây ra cho mình hơn những đối tượng dùng bia ở mức độ ít hơn.

Như H cũng đã từng vì nhậu và tự té xe mẻ xương vai phải bó bột hàng tháng. L thì cũng đã từng vì nhậu mà làm mất quan hệ dẫn đến phải đổi chỗ làm mấy lần. Còn anh N thì bị đụng xe sau chầu nhậu. Là "đệ tử lưu linh" mấy ai không có những bạn nhậu “một đi không trở lại” vì những căn bệnh do rượu gây ra.   

Ngày nay, tác hại của bia rượu ai cũng biết có thể coi đó là nguyên nhân gây ra những căn bệnh “xã hội” về tim mạch, huyết áp, viêm gan, xơ gan hay cả ung thư gan. Riêng ung thư gan thì có người còn ngộ nhận là bệnh trời kêu ai nấy dạ, không phải do bia rượu. Nhưng nghiên cứu cho thấy nhậu nhiều sẽ dễ bị ung thư gan hơn người không nhậu hay nhậu ít.

Một bác sĩ chuyên tư vấn về sức khỏe đã từng bộc bạch ông thăm dò rất nhiều bệnh nhân bệnh gan mà ông điều trị  thì chả có mấy người chịu bỏ nhậu! Ông cũng tuyên bố sẽ không chữa trị bệnh gan cho các bệnh nhân nào mà trong quá trình điều trị mà không chịu kiêng chất “cồn”.    

Khi việc tiêu thụ rượu bia tăng thì mặc nhiên nhiều vấn đề xã hội cũng gia tăng mà không thể phủ nhận là không có liên quan đến nạn rượu bia. Đó là số vụ tai nạn giao thông mà nạn nhân hay người gây tai nạn có nồng độ cồn cũng gia tăng.

Trong số 100 vụ TNGT thì có tới 70 vụ có nguyên nhân do lái xe có sử dụng rượu, bia trước đó. Các nghiên cứu của ngành y khoa cho thấy chỉ với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/l khí thở, người sử dụng rượu bia đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ. Khi dùng rượu bia sẽ làm giảm khả năng tự chủ bản thân, phản xạ của người lái xe giảm từ 10- 30%, dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông dễ xảy ra khi điều khiển xe có dùng rượu bia trước đó.

Trong một thống kê năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới và Ủy ban ATGT Quốc gia Việt Nam đã khảo sát 18.000 nạn nhân tai nạn giao thông trong bệnh viện các tỉnh phía Bắc. Kết quả cho thấy nạn nhân liên quan đến rượu bia chiếm 36,9%. Ngoài các tổn thất về người, tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia gây thiệt hại 250 tỷ đồng/ngày.   

Cái gì đến sẽ đến!

So với năm 2015, sản lượng bia tiêu thụ năm 2016 tăng gần 400.000 lít. Như vậytính trung bình mỗi người Việt uống tăng khoảng 4 lít so với năm trước đó. Lượng rượu bia trung bình mà thế giới tiêu thụ thì không tăng trong vòng một thập kỷ qua. Trong khi ở Việt Nam lại tăng. Việt Nam hiện được xếp là một trong số 25 quốc gia trên thế giới có mức tiêu thụ bia gia tăng nhiều nhất. Thống kê trong khu vực cho thấy, năm 2016 Việt Nam đã đứng thứ 3, sau Nhật Bản và Trung Quốc.

Ngày nay người ta nói ra đường chỗ nào cũng thấy quán nhậu lớn nhỏ, người nhậu thì xay xỉn bất kể giờ giấc. Từ sáng sớm cho đến nữa đêm. Có quán sáng đèn suốt đêm. Nhưng mấy ai để ý phần lớn các vụ va quẹt, gây tai nạn giao thông xảy ra vào thời điểm từ 12h đến 14h và từ 21h đến 24h. Đây là các khung giờ “vàng” sau thời gian ăn nhậu trong ngày.

Những năm gần đây trung bình mỗi ngày, ở Việt Nam vẫn có 24 người chết và 60 người khác bị thương vì tai nạn giao thông có liên quan tới “chất cồn”. Đó là cái kết thấy được từ việc lạm dụng bia rượu. Còn có những cái kết mà không phải ai cũng thấy đó là những hậu quả âm thầm của bia rượu từng ngày “ăn mòn” cơ thể của "đệ tử lưu linh" mà ngay cả ngành y tế cũng không thể thống kê được vì những tác hại do bia rượu gây ra không bộc phát ngày một ngày hai mà có khi kéo dài nhiều năm.

Dự  báo  năm 2017 sản lượng sản xuất của ngành bia trong nước đạt gần 4 tỷ lít, tăng 10% so với 2016. Con số gia tăng đều đặn nầy không chỉ làm đau đầu cho người tiêu thụ mà cho ngành y tế vì khi lượng bia tiêu thụ tăng cũng sẽ làm gia tăng những ca ngộ độc, chấn thương ở các khoa cấp cứu tại các bệnh viện nhất là vào dịp…xuân về.

Chính phủ đã ban hành nghị định 46, qui định hành vi vi phạm uống rượu bia khi tham gia giao thông bị xử phạt hành chính có thể lên tới 18 triệu đồng. Đặc biệt, Luật Hình sự quy định mức độ vi phạm có nguy cơ làm chết người, tổn thương sức khỏe người khác thì xử lý hình sự. Còn qui chế, nội qui của các cơ quan nhà nước đều đã cấm các viên chức nhà nước không bia rượu trong giờ làm việc nhưng hình như qui định nầy cũng giảm hiệu lực khi…xuân về.

Đón xuân trong một năm mới cũng cần nhớ đến những tác hại tiêu cực của rượu bia để biết kềm chế đừng “vui xuân mà quên nhiệm vụ”, quên cả bản thân mình. Bia, rượu từ xa xưa được con người điều chế ra nhằm để chữa bệnh và chỉ có tác dụng tốt khi dùng một lượng vừa phải, hợp lý. Có sức khỏe thì mới có mùa xuân!