Người khiếm thị khẳng định dùng thẻ ATM an toàn

(VOH) - Trước ý kiến từ phía ngân hàng cho rằng “người khiếm thị” dùng thẻ ATM không an toàn, dễ bị mất mật khẩu…, một số ý kiến khẳng định ngược lại.

Cách người khiếm thị dùng thẻ ATM an toàn

Nguyễn Hoàng Giang – một chàng trai khiếm thị từng rất khó khăn mới làm được thẻ ATM chia sẻ, việc sử dụng thẻ ATM an toàn đối với người khiếm thị - và hiện người khiếm thị như Giang dùng thẻ ATM theo 3 cách sau.

Cách thứ nhất, rút tiền tại các cây ATM của ngân hàng ACB. Việc rút tiền tại đây bị mất phí – nếu là thẻ của một ngân hàng khác – nhưng an toàn vì đa phần các cây ATM có hướng dẫn bằng giọng nói, hỗ trợ tốt cho người khiếm thị.

Cách thứ hai, đến ngân hàng và nhờ nhân viên ngân hàng hay bảo vệ giúp rút tiền tại cây ATM.

Cách thứ ba, đi cùng với bạn vì bạn là người tin tưởng và không phải người giám hộ. Nếu bạn bận thì có thể đi cùng với anh, chị… miễn là người đáng tin.

Người khiếm thị có thể thao tác tốt khi rút tiền tại các cây ATM

Người khiếm thị có thể thao tác tốt khi rút tiền tại các cây ATM (Ảnh: Nguoiduatin)

Thông thường Giang sử dụng dịch vụ Internet banking. Đối với thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ thì Giang dùng SMS banking, ngay khi quẹt thẻ thanh toán, ngân hàng sẽ gửi tin nhắn báo số tiền bị trừ. “Thẻ tín dụng hay ghi nợ rất có lợi cho tụi em khi đi Grab, Uber, thanh toán online, đi siêu thị...” - Giang cho biết.

“Ở Singapore, em vẫn lăn tay khi mở thẻ, vẫn đi cùng với ai đó mình tin tưởng ra rút tiền tại các cây ATM không hỗ trợ người khuyết tật. Nhưng ngân hàng rất tận tình và không đòi hỏi ở tụi em bất cứ điều gì đặc biệt” - Giang cho biết thêm.

Ông Trần Bá Thiện - giảng viên khiếm thị trường Đại học Văn Lang thì cho rằng, người khiếm thị như ông có thể sử dụng thẻ ngân hàng an toàn đặc biệt là với internet banking. Vì thực tế, điều kiện sử dụng internet banking là người dùng cần có số thẻ ATM, mật khẩu internet và mật khẩu SMS (gửi qua điện thoại) khi chuyển khoản. Với cách giao dịch này, người khiếm thị như ông sử dụng khá dễ dàng.

Về rủi ro, ông Thiện cho hay, rủi ro khó xảy ra vì dù mất thẻ ATM thì kẻ xấu cũng không thể biết mật khẩu hoặc có mật khẩu mà không có thẻ hay không có được điện thoại thì khó có thể "chôm tiền" thông qua internet banking.

Với thẻ ngân hàng, ông có thể thao tác trên cây ATM mà không cần hỗ trợ; ông cũng có thể đưa thẻ cho vợ đi rút  – như nhiều người đàn ông vẫn đưa thẻ cho vợ “giữ giùm” vậy.

Điều này có nghĩa, khi ông được mở tài khoản, làm thẻ ngân hàng ông toàn quyền quyết định các giao dịch của mình - khác hoàn toàn với việc làm thẻ mà phải có người giám hộ.

Làm thẻ có người giám hộ, rủi ro giảm hay tăng?

Không ít người khiếm thị cho rằng, việc chỉ cho phép người khiếm thị mở thẻ nếu có người giám hộ - là "sỉ vả tư cách” của người khiếm thị vì hiện nay, người khiếm thị đã hòa nhập tốt và hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm về hành vi và tài sản của mình.

Trên thực tế, người khiếm thị mở tài khoản ATM chủ yếu để thực hiện các giao dịch về tiền lương, mua sắm – với tài sản trong thẻ không quá lớn. Nhưng, việc có người giám hộ trong trường hợp này lại gây ra nhiều phiền toái – hay nói đúng hơn là người khuyết tật có thẻ nhưng không có nhiều quyền lợi đối với chính tài khoản, tài sản của mình.

Theo Hoàng Giang, khi mở thẻ có người giám hộ thì bất tiện thứ nhất là mất tự do. Người giám hộ có quyền trước pháp luật và hạn chế quyền lợi của người khiếm thị. Người khiếm thị dù là chủ thẻ nhưng “phải có sự đồng ý của người khác” để rút tiền của chính mình.

Đó là chưa kể tới việc, người giám hộ (cha, mẹ, anh, chị…) sẽ có toàn quyền rút tiền trong tài khoản mà mình “giám hộ”. Như vậy, nếu người khiếm thị đi làm, nhận lương mà người giám hộ muốn lấy khoản tiền này thì họ hoàn toàn có quyền hợp pháp để rút và người khiếm thị có thể rơi vào tình cảnh… trắng tay.

Như vậy, trong trường hợp người khiếm thị buộc phải mở thẻ và phải có người giám hộ thì rủi ro “mất tiền” chưa chắc đã giảm, mà nguy cơ “mất tiền hợp pháp” có thể xảy ra. Lúc này, người khiếm thị đâu thể đổi được người giám hộ giống như đổi người giúp rút tiền?!

Còn với những rủi ro khác như mất mật khẩu, mất thẻ, mất tiền… thì ngay cả những người bình thường sử dụng thẻ ATM hay internet banking cũng có thể gặp phải như nhiều trường hợp xảy ra gần đây.

Do đó, vấn đề mở thẻ ngân hàng cho người khiếm thị cần được xác định lại mức độ rủi ro, thực tế rủi ro và các ngân hàng cần tìm ra các giải pháp để hỗ trợ tốt nhất cho tất cả các khách hàng có nhu cầu, kể cả người khiếm thị.

Để tránh ủi ro cho ngân hàng, ngân hàng hoàn toàn có thể quy định thiết lập phạm vi trách nhiệm giữa khách hàng dùng thẻ và ngân hàng. Chẳng hạn, những rủi ro xảy ra trong phạm vi nào thì khách chịu, còn rủi ro nào thì nhà cung cấp chịu để - tránh tình trạng "phân biệt đối xử", ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng cũng như không phù hợp quy định pháp luật.