Tăng giá điện cần tính toán để phù hợp với túi tiền và thu nhập người dân

(VOH) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.

Việc điều chỉnh khung này chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.

So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh.

Cụ thể, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444 đồng/kWh.

Tăng giá điện cần tính toán để phù hợp với túi tiền và thu nhập người dân 1

Nhân viên EVNHCMC hướng dẫn người dân sử dụng điện cài đặt App chăm sóc khách hàng

Về việc điều chỉnh khung giá điện, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI cho rằng: “Tăng khung giá điện chứ không phải mức giá bán lẻ điện sẽ tăng mà quyết định này liên quan đến mức bán lẻ giá bán lẻ điện chưa có.

Hiện nay giá điện đang ở tương đối sát khung giá điện. Chính vì thế cần sửa đổi khung giá điện để sau này quá trình điều chỉnh giá sẽ dễ hơn cho Bộ Công Thương”.

Ở góc độ cán bộ về hưu, ông Đặng Đình Hiệp, cũng bày tỏ mong muốn: “Các chuyên gia tài chính của EVN phải tính rất cụ thể và trình cho Chính phủ tăng bao nhiêu là vừa mà mình tăng như thế nào để phù hợp với túi tiền và thu nhập thực tế của người lao động, chỉ tăng độ khoảng 6-7 %, còn lại sẽ đề nghị với Chính phủ hỗ trợ phần mà phụ trội đó. Tăng giá điện thì các mặt hang khác cũng tăng theo".